web analytics
TRUYỆN NGẮN

Bã Mía

Kiêm Ái

Mùa mưa bắt đầu ! Mùa của nhà nông bắt đầu. Mấy tháng nắng họ đã chuẩn bị đất sẵn sàng để sau vài trận mưa đầu là bỏ hạt. Đất đỏ có nước mưa càng đỏ hơn, không còn bụi mù trời mỗi khi có luồng gió thổi qua, trời đã cho mưa rửa sạch những lá cà phê, trà và những cây khác nên trông tất cả như xanh hơn, đậm đà và tươi mát hơn. Mọi người đều bận rộn, tranh thủ bỏ hạt giống lúc đất vừa ướt, độ ẩm còn cao, hạt nẩy mầm dễ dàng và cây con sẽ rất mạnh, chứ để mưa nhiều đất sẽ lạnh, hạt giống nẩy mầm chậm và cây con rất yếu.
Mùa mưa bắt đầu một đời sống mới cho cỏ cây mà cũng là lúc khởi đầu cho những sinh vật khác. Những con ếch sau mấy tháng nằm trong hang sâu, sống tiệm sinh, nay nước mưa làm ngập hang, đất trở nên mềm chúng có thể mở rộng hang thoát ra ngoài tắm mưa, tung tăng trong các vũng nước mới và . . . bắt cặp. Đây là mùa tình ái của ếch nhái và những con đồng loại. Lẫn trong tiếng rào rào của mưa tiếng ếch nhái, ễnh ương vang lên như một tấu khúc vui tươi rộn rã. Từng cặp, từng cặp một, ếch cái cõng ếch đực say sưa ân ái để rồi sớm mai, khi ánh mặt trời chiếu vào vũng nước, hang triệu trứng ếch nhái tạo nên một màn trắng đục điểm những chấm đen phủ lên mặt nước. Không bao lâu, những chấm đen bắt đầu cử động, lớn dần thành những con nòng nọc theo nước mưa lan đi khắp ruộng đồng. Một thế hệ mới bắt đầu.
Ngoài ếch nhái, mùa mưa cũng là mùa sinh sản của cá. Tất cả các loại cá mấy tháng trước đã theo trận mưa cuối mùa rút về vực sâu hay sông lớn, nay cũng theo nước mưa đi ngược lên khe suối rồi tràn vào ao hồ, ruộng đồng, nơi đây đã có sẵn cho chúng đầy đủ thức ăn. Cá bắt đầu đẻ trứng và nở ra cá con.

Trời mưa, trời mưa ! Tất cả vạn vật như bắt đầu một đời sống mới, một chu kỳ mới. Cỏ dại và sâu bọ cũng sinh sôi nẩy nỡ làm mồi cho muông thú và chim chóc. Những con nai, con mễn sau mấy tháng thiếu thức ăn, nay cũng no đủ.Từ Hố Nai ra đến Rừng Lá trên Quốc lộ Một, từ ngã ba Dầu Dây lên đến Di Linh, Bảo Lộc trên Quốc lộ 20, đâu đâu cũng rộn rịp, ai ai cũng bận rộn cho mùa trồng tỉa mới. Riêng cái nghề của hắn thì trở nên ế ẩm. Nghề bán nước mía. Xe nước mía của hắn trong mấy tháng nắng đắt khách bao nhiêu thì nay vắng vẻ bấy nhiêu. Mía có nước mưa trở nên nhạt, người gặp lúc mưa ít khát lại bận rộn, ít đến xe mía của hắn, thay vào đó, loài ruồi lại chiếu cố xe nước mía của hắn tận tình. Ruồi đủ cỡ, đa số là ruồi xanh, bã mía ép xong vứt ra mưa dễ dàng cho ruồi hút nước. Chúng bu kín cả đống bã mía, bay lên bay xuống khắp nơi, chun hẳn vào thân mía đang bị ép, nhiều con bị ép chung với mía, có con bu vào mặt, vào môi hắn, vào mắt hắn. Mùa mưa hắn chỉ cầu kiếm được mỗi ngày một ký gạo. Một ký gạo bây giờ là cả một “vấn đề” đối với hắn chả bù với ngày xưa, một tấn gạo đối với hắn chả là gì cả.

Ngày xưa đến tuổi đi lính mà hắn thi mãi không đậu được cái tú tài một, mẹ hắn lo lắng hết sức, may nhờ người bà con xa làm ở Nha Địa Phương Quân lo cho hắn thi vào học lớp Sĩ quan Thủ Đức. Bù lại, hắn có được một người yêu lý tưởng, con nhà gia giáo nết hạnh lại đẹp và thùy mị. Ngày hắn ra trường, nàng đề cập đến vấn đề hôn nhân. Hắn thú thật là tuy mang cấp bậc Thiếu úy nhưng lương Địa phương quân không có phụ cấp vợ con. Nàng làm yên lòng hắn :

– Anh đừng lo, còn lương giáo viên của em nữa chi ? Nếu chúng mình có con thì sẽ được ăn phụ cấp bên lương em. Còn việc cưới hỏi thì tụi mình chỉ làm đơn giản.

Đời hắn kể từ đó gặp vận hanh thông. Có người nói vợ hắn có tướng vượng phu ích tử, có thể đúng vì sau đó hắn thắng mấy trận liên tiếp. Cấp bậc hai lần được gắn tại mặt trận rồi lương Địa Phương Quân và Chủ lực thống nhất. Ngày hắn đổi về vùng này vợ hắn cũng xin đổi đi theo, nàng xin dạy ở một trường gần thị xã để săn sóc hắn cho có vợ có chồng.

Chiến cuộc ngày càng sôi động đơn vị hắn phải di chuyển lên bảo vệ các trục lộ, nơi Việt Cộng thường phục kích, đắp mô, giựt mìn xe đò, quyết cô lập vùng Cao nguyên, do đó việc bảo vệ giao thông trở nên ưu tiên một. Lính đi đâu dân theo đó, nhất là giới chuyên mở hàng quán. Nhiều qúan ăn và giải khát, có cả bia ôm thi nhau mọc lên dọc quốc lộ và hắn cũng như những người khác thường ra vào các quán những lúc rảnh. Trong những quán giải khát, có quán Kim Chi là rộn rịp nhất, Kim Chi cũng là tên của cô gái kêu bà chủ quán bằng dì, nàng giúp dì hầu hết mọi việc. Kim Chi có một sắc đẹp mặn mà và đoan trang. Nàng rất ít cười, nhưng nụ cười của nàng có thể giúp anh hùng uống đến lúc ngã cũng chưa biết say. Nhã nhặn mà không lả lơi, vui vẻ mà đứng đắn, do đó mà bao nhiêu anh hùng hảo hán sau ít lâu theo đuổi nàng, đều ngã lòng rút lui trong thất vọng não nề. Nhưng khi hắn gặp nàng thì mọi sự đảo lộn, cả hai như nhận ra nhau từ tiền kiếp, như Từ Hải gặp Thúy Kiều, trai tài gái sắc tuy tuổi tác rất chênh lệch. Khi đá đã biết tuổi vàng, nàng thôi không giúp việc cho dì nữa mà mở một quán chạp phô, có người giúp việc để nàng cùng hắn “khi chén rượu, khi cuộc cờ, khi xem hoa nở khi chờ trăng lên” và cũng tạo nơi kín đáo vừa tránh tai tiếng vừa bảo vệ an ninh cho hắn. Thế là hắn đã có đệ nhị phòng.

Người ta nói đàn ông chỉ cần ngày hai bữa ăn và một cái giường, trên giường có người đàn bà là đàn ông quên hết mọi chuyện. Đó là trường hợp của hắn. Nhưng hắn bực một điều là không thể ở lại với Kim Chi ban đêm. Trọng trách chỉ huy không cho phép hắn ở lại nhà nàng. Có đêm hắn liều đưa Kim Chi vào doanh trại. Kim Chi tỏ vẻ không bằng lòng và nói với hắn :

– Anh là cấp chỉ huy, hãy giữ gìn kỷ luật để có uy tín đối với thuộc hạ.

Có vài sĩ quan cảnh giác hắn về địch vận nhưng hắn gạt đi, vì nếu nàng là địch vận thì nàng đã tìm hiểu quân tình, tìm cách ở lại trong doanh trại. Trái lại, nàng không muốn hắn đề cập đến vấn đề quân sự khi có nàng :

– Đến với em, em chỉ muốn anh quên hết mọi chuyện mà chỉ có em và anh. Thì giờ mình quá ít, nên dành cho nhau. Nghe vậy, hắn càng tin tưởng nàng.

Một hôm, gia đình dì Kim Chi có giỗ, “hai vợ chồng” hắn đến dự. Sau đó, chủ nhà tổ chức đánh bạc và mời Kim Chi và hắn tham dự. Kim Chi từ chối nhưng hắn không thể từ chối, vì dù sao hắn cũng là kẻ cả ở đây; vả lại hắn cũng có máu đỏ đen. Khi hắn chơi được vài ván Kim Chi mới đến ngồi bên hắn và nói :

– Sở dĩ em không chơi là vì tính em kỳ lắm, đã chơi là phải ăn, thua thì gỡ cho bằng được mới nghe.

Hắn rất mừng vì thêm một điểm tâm đầu ý hợp. Hôm đó hắn thua, thua luôn tiền vốn và nữ trang của Kim Chi, mượn bà chủ nhà mấy lần vẵn không gỡ được. Thua qúa hóa liều, hắn lấy tiền Quân Tiếp Vụ để gỡ cũng thua. Hắn rời sòng bài với số nợ hơn trăm ngàn.

Kim Chi thấy hắn quá lo lắng nàng thương hại và hứa sẽ vay cho hắn vì nàng quen một bà chủ đồn điền gần đó. Chỉ cần thỉnh thoảng hắn mua giúp cho bà ta vài tạ gạo để phát cho nhân công, còn tiền vốn thì khi nào ăn bài sẽ trả. Hắn không có thì giờ để thắc mắc vì phải chạy cho kịp mua đồ Quân Tiếp Vụ. Hắn giữ lời hứa và mua gạo và nhờ tài xế và Kim Chi lấy xông xa đưa vào “đồn điền”. Nhưng mỗi lần nhận gạo hắn được hoàn trả tiền vốn. Kim Chi giải thích là bà chủ chỉ cần gạo chứ không lấy tiền lời. Một thời gian sau, hắn nhận được một bằng Ban Khen của “Chánh Phủ Lâm Thời CHMNVN” vì đã tiếp tế ba tấn rưỡi gạo cho Mặt Trận”, bản sao họ gởi đến các cơ sở trong vùng hắn trách nhiệm để “dành mọi dễ dàng cho đương sự khi công tác”. Hắn muốn ngất xỉu khi nhận được cái bằng giết người này. Nếu các đơn vị hành quân bắt được tài liệu này thì hắn không còn đường sống. Kim Chi thì nguyền rủa bà chủ đồn điền thậm tệ. Nàng thề sẽ gặp bà ta một lần để hỏi cho ra lẽ dù có phải chết. Hắn hoàn tòan bị động, phó mặc mọi sự cho Kim Chi lo liệu.

Sáng hôm sau, Kim Chi cho hay là mọi sự coi như giải quyết xong. Bà chủ đồn điền bị “mấy ổng” bắt buộc phải làm như vậy mới được yên ổn làm ăn. Bà dẫn Kim Chi đi gặp “mấy ổng”, họ thông cảm hoàn cảnh hắn và nhất là họ cũng muốn bảo vệ đồn điền của bà chủ, vì phe quốc gia có thể làm khó dễ bà ta, do đó họ bằng lòng thu hồi tất cả “Bằng khen” với điều kiện là phải tiếp tục mua gạo và ít thuốc men cho họ qua trung gian Kim Chi và bà chủ đồn điền. Hắn còn sợ nhưng không có quyền lựa chọn. Thấy vậy Kim Chi đưa ra giải pháp :

– Anh cứ để em và chú tài xế lo liệu mọi chuyện. Anh đừng dính đến họ là xong. Ngược lại, em cũng có điều kiện cho họ là mua một bán hai, ba và họ đã chịu. Họ còn trả tiền phí tổn di chuyển cho em và chú tài xế. Anh cũng có phần nhưng qua tay em để anh khỏi bị An ninh Quân Đội quấy rầy. Họ trả gấp ba lương Thiếu tá của anh hiện tại. Chịu đấm phải ăn xôi. Việt Cộng thiếu gì tiền, họ chỉ cần gạo và thuốc, mình bị họ cho vào xiếc thì cũng gỡ lại để khi hòa bình có vốn sinh sống. Anh ở lính mãi sao ?

Từ đó, hắn lún sâu vào tội lỗi. Từ một đơn vị trưởng gương mẫu trở thành một tên phản bội do sự khéo léo của Kim Chi và tiền bạc của Việt Cộng.

Phần vợ hắn, bà ta đã nhiều lần năn nỉ hắn, van xin hắn và cảnh cáo hắn, nhưng hắn không nghe và chưởi rũa vợ thậm tệ vì vu cáo Kim Chi là Việt Cộng. Bà ta cũng đã đến gặp Kim Chi nhiều lần nhưng không có kết quả. Lần chót vợ hắn hăm dọa tố cáo Kim Chi với thượng cấp của hắn, hắn giận quá rút súng dọa bắn bà ta và không thèm về nhà nữa. Mấy tháng sau, hắn hối hận muốn về thăm và xin lỗi vợ. Hắnmang một số tiền khá lớn và vài món nữ trang về làm quà cho vợ. Đến nơi, hắn mới biết vợ hắn đã xin thuyên chuyển về Miền Tây hơn hai tháng nay không ai biết đích xác địa chỉ của vợ hắn, vì bà ta về Bộ Giáo Dục trước khi có nhiệm sở thực thụ. Hắn nổi giận và quyết không gặp lại “con đàn bà tự tung tự tác” coi chồng không ra gì. Hắn xin đất và xây một ngôi nhà khang trang bậc nhất thị xã để hòa bình dưỡng già với “ái khanh Kim Chi”.

Gần đây, Kim Chi và cán bộ Cộng sản cho hắn hay họ sẽ chiếm Saigon nay mai, hắn cố lập công để “chuộc tội”. Hắn cũng biết là An Ninh Quân Đội đang điều tra hắn, nhưng hắn bất cần. Cờ bạc về sáng rồi. Khi nghe Dương Văn Minh đầu hàng Cộng Sản, một hạ sĩ quan đứng gần hắn chửi thề:

– ĐM tưởng lên làm Tổng Thống để làm gì, té ra là để đầu hàng Cộng Sản. Việt Nam có hai thằng tên Minh thằng nào cũng như con c. Hắn nạt tên trung sĩ :

– Ê mầy ! Ăn nói đàng hoàng nghe mầy. Cách Mạng hoàn toàn thắng lợi rồi. Liệu cái mồm mầy.

– Ồ ! Thiếu tá cũng binh Việt Cộng sao ?

– Tao là cán bộ Việt Cộng đây. Mầy biết chưa ?

Vừa lúc đó, Kim Chi đứng trên một chiếc xe jeep quân đội VNCH nhưng cắm cờ “Mặt Trận” do tài xế hắn lái đến; cả hai đều mang băng đỏ trên tay.

– Cách Mạng thành công rồi. Kim Chi la lớn. Anh em “ngụy quân” bỏ súng đầu hàng để được khoan hồng, còn anh lên đây với em. Ta về thị xã dự metting.

Hắn bỏ đơn vị ra đi trong tiếng nguyền rủa của thuộc cấp. Từ đó hắn được Việt Cộng gọi là đồng chí và dự liên hoan này đến mừng chiến thắng nọ trong khi các bạn đồng ngũ của hắn phải “tập trung cải tạo”.

Một hôm, Kim Chi bảo hắn :

-Chúng mình từ nay không còn lo nghĩ gì nữa, chỉ cần tận lực phục vụ Cách Mạng, ở trên cần anh để giải thích cho “ngụy quân ngụy quyền”lập trường khoan hồng của Cách Mạng. Nhưng qua phản ảnh thì hiện nay có nhiều người so bì với anh, vả lại vụ chạy loạn vừa qua không biết vợ con anh ra thế nào, dù gì thì cũng nên kiếm họ một lần cho biết. Nếu cần gì anh cứ giúp đỡ. Em không như người khác đâu. Hắn nhìn nàng dò xét nhưng nàng làm hắn yên chí ngay :

– Sau khi gặp họ rồi thì mau về với em.

– Nhưng . . .

– Anh hết tiền rồi sao ? Hắn giải thích là bao nhiêu tiền hắn đã đưa cho nàng và còn lại mấy trăm ngàn hắn đã “chiêu đãi” (lần đầu tiên hắn tập dùng từ Cách Mạng) các anh ở trỏng ra. Nàng mở tủ đưa cho hắn một trăm ngàn.

Chỉ mấy ngày sau là hắn biết được vợ và hai con hắn đã cùng gia đình vợ xuống tàu Hải Quân di tản vì em vợ hắn là sĩ quan Hải quân. Hắn không biết nên vui hay nên buồn, chung quanh hắn, một màn u ám bao phủ mọi sinh hoạt của người dân. Ai cũng lo lắng, bồn chồn cho cuộc sống mới. Hòa bình mà gia đình ly tán, những kẻ chiến thắng càng huênh hoang bao nhiêu càng tỏ ra “ngố” bấy nhiêu. Ngố nhất là không biết mà cứ nói dốc để bị dân Saigon cho leo cây, họ hỏi cán ngố ngoài Bắc trồng nhiều “cà chớn” không ? Cán ngố trả lời : Thiếu gì, mỗi nhà tranh thủ trồng cả mấy sào ! Mọi người đều chán nản, chính hắn cũng đã cảm thấy điều đó nên trong lòng buồn vui lẫn lộn. Tối nay hắn định đến thăm người bạn đồng hương là công chức Tòa Đô chính củ để biết thêm tình hình những ngày đầu “giải phóng” và luôn tiện rủ bạn đi uống rượu giải sầu.

Người mở cửa cho hắn không ai xa lạ : tân chuẩn úy Hậu mới ra trường và về đơn vị hắn được một tháng thì rã ngủ. Cánh cửa vừa mở ra đã đóng lại kèm theo một câu : “nhà này không quen cán bộ”. Hắn đành ra quán độc ẩm. Rượu vào hắn lại nhớ Kim Chi, nhớ da thịt nàng, hơi hám nàng. Thế là hắn bao xe về thị xã. Đến nhà hắn ngạc nhiên khi thấy một bảng kết hoa “Lễ Tuyên Hôn Nguyễn Khiết và Lê thị Lan”. Lấy làm lạ hắn gõ của rất gấp. Người ra mở cửa cho hắn là tên tài xế củ.

– Đồng chí mở cửa cho tôi đi. Kim Chi đâu ?

– Tôi báo cho đồng chí hay là Đảng và Nhà Nước đã làm lễ tuyên hôn cho tôi và Lê Thị Lan tức Kim Chi ngày hôm qua và cấp cho vợ chồng tôi căn nhà này.

– Nói bậy. Kim Chi là vợ tôi.

– Đồng chí chẳng đã đi thăm vợ đồng chí về sao ? Cách mạng dạy chỉ một vợ một chồng. Tôi với Lan tức Kim Chi yêu nhau nhưng do yêu cầu công tác nên Lan và tôi hy sinh phục vụ đồng chí. Nay Cách Mạng thành công, chúng tôi làm lễ tuyên hôn. Nhà đất này của nhà nước, lính ngụy xây, nay Cách mạng tịch thu. Tuy vậy vợ chồng tôi dành cho đồng chí một phòng phía sau có cửa ra vào riêng. Đồ đạc của đồng chí để cả ngoài đó.

– Tôi phải gặp Kim Chi.

– Ngày mai vợ tôi sẽ gặp đồng chí. Nói xong y đóng mạnh cửa. Hắn muốn nằm lăn ra bậc thềm, nhưng cuối cùng hắn cũng lết được về căn phòng “vợ chồng tôi dành cho đồng chí”. Đêm nay mới thực là đêm hắn “thấm nhuần Cách Mạng”. Nhưng chưa. Vừa sáng sớm, cán bộ đã gõ cửa đả thông tư tưởng hắn, nhất là cách đối xử đứng đắn với vợ các đồng chí, đồng thời cũng cho hắn hay là từ nay, mỗi khi ra khỏi xã phải xin phép trên huyện “để khi cần công tác có thể triệu tập đồng chí”. Từ đó, hắn không “thèm” gặp Kim Chi và Kim Chi cũng không” dám gắp hắn.

Không thèm gặp Kim Chi, hắn không có tiền độ nhật. Ra khỏi xã phải xin phép huyện, hắn không thể trốn đi đâu được. Tình trạng hắn như cá mắc cạn. May nhờ có người hàm ân với nó từ trước, cho
hắn cái xe nước mía vì họ về quê.

Cái khổ của hắn là gặp lại vợ con của các bạn đồng ngũ cũ. Họ có nhiều cách phản ứng khác nhau. Người thì cúi đầu “chào ông cán bộ 30 tháng tư”. Người thì nói nhỏ vừa đủ hắn nghe “Cách mạng thưởng công đồng chí dử quá hé”. Chỉ có con mẹ người Huế là quá quắt nhất, chị ta đi qua xe nước mía của hắn là thế nào cũng “hò ru em”:

Cao cồn tốt cỏ trâu mê,

Anh tham dâm dục bỏ bề hiếu trung.

Bây giờ nửa điên, nửa khùng,

Bỏ người theo ngợm anh hùng . . . thấm chưa ?

Nhưng tai nạn của hắn vẫn còn. Đó là thằng “phế binh ngụy”, chưa tới nơi hắn đã vừa khua đôi nạng, vừa văng tục :

-ĐM cho ly nước mía không tiền đó nghe. Uống xong là đập bể ly. Đập xong ly là rao hàng giùm :

“Nước mía đây, nước mía đây. Thiếu tá ngụy bán nước .. mía đây. Bà con uống vô, uống vô . . . đái ra cho ổng nhờ. Hắn dư biết tên này cố kiếm chuyện để chọc tức hắn. Hắn mà sinh sự với y, y phá cái xe, cái nồi gạo hắn cho bỏ ghét. Nhiều lần hắn báo cho an ninh chợ, nhưng họ khuyên hắn nên tránh hủi tốt hơn, “thằng phế binh này muốn liều mạng với bác. Nó nói vì bác mà hắn chỉ còn có nửa chân. Nhốt
nó thì phải nuôi cơm”. Hắn đành chịu trận.

Hắn muốn đi chỗ khác sinh sống nhưng không thể chuyển hộ khẩu vì hắn vẵn đứng chung hộ khẩu với Kim Chi. Do đó, hắn như người bị giam lỏng, phiếu mua hàng hắn cũng không có, mặc dù hắn biết Kim Chi chả mua gì cả. Là chủ nhiệm cửa hàng thu mua, nàng quá giàu có đâu cần gì, nhưng liên hệ với nàng thà chết hắn quyết không làm. Chồng Kim Chi, tên tài xế cũ của hắn thỉnh thoảng ghé xe nước mía để giải khát và khoe sang khoe giàu, khoe chính nghĩa “Cách mạng” và trước khi đi bao giờ hắn cũng trả tiền gấp mấy lần ly nước mía kèm theo câu :

– Đồng chí cầm lấy chổ thừa mua rược uống !

Nhiều lần hắn đã nghĩ đến cái chết, nhưng hắn còn nuối vợ con hắn, hắn hy vọng một ngày nào đó hắn biết tin tức vợ con hắn hắn mới nhắm mắt được. Vợ hắn mới thực là kim chi ngọc diệp, con nhà nề nếp. Tiếc thay, ăn năn thì đã quá muộn. Bây giờ hắn thèm được đi “học tập” như bạn bè hắn, thà khổ cực phần xác mà tâm hồn được thảnh thơi, bạn bè không khinh rẻ, đồng bào không phỉ nhổ chứ như tình cảnh của hắn hiện tại phải sống trong ê chề tủi hận. Hắn oán trách Việt Cộng đã đối xử với một kẻ có công lao như hắn tệ hơn là đối với những người đã chiến đấu đến cùng với chúng , hắn có biết đâu Việt Cộng trả thù tất cả, kể cả dân chúng. Do đó, VC vẫn coi hắn là kẻ thù, vì thực ra hắn có theo VC đâu? Hắn bị VC mua chuộc, chúng tốn tiền, tốn cán bộ phục vụ cho hắn. VC phải lấy lại những gì đã mất với hắn và còn lấy lời gấp mấy lần hơn.

Chiều nay, khi hắn vừa định đẩy xe mía về thì “con mẹ người Huế” xuất hiện. Hắn chuẩn bị tinh thần để nghe con mẹ này “hò ru em”, nhưng không, bà ta lấy tay chỉ hắn và nói với người đàn bà khác đi sau : “Ổng đó” rồi đi thẳng. Hắn chưa kịp ngạc nhiên thì bà kia đã đến gần hắn . Khi cả hai nhận ra nhau thì cả hai không còn đứng vững. Người đàn bà chỉ kịp kêu “Anh” rồi ngã người vào hắn. Hắn giữ cho nàng khỏi ngã nhưng chính hắn phải dựa vào thành xe.

-Thùy(tên vợ hắn), em về hồi nào ?

– Em về mấy hôm rồi; tìm mãi mới được tin anh. Các con nhớ anh lắm.

– Biết tin em và con, bây giờ anh chết được rồi.

– Nói dại, em về thăm và bảo lãnh anh qua với gia đình.

– Không, em đón xe về lại Saigon kẻo trể. Ở đây thêm rắc rối. Cám ơn em, nhưng anh không còn mặt mũi nào. . .

– Em đã lo đủ giấy tờ cho anh, về Saigon ngay. Về trên đó rồi nói chuyện. Đi.

– Nàng kéo hắn đến chiếc xe thuê bao sẵn đang chờ ở đầu đường.

Tiếng con mẹ người Huế như văng vẳng đâu đây :

. . . . . . . . . . . .

“Anh tham dâm dục bỏ bề hiếu trung

. . . . . . . . . . . . . . . .

Kiêm Ái