web analytics
XUÂN

Một Chút Hương Xuân

KIÊM ÁI

Vừa qua khỏi cầu Trường Tiền, Hoàng vừa quẹo trái để về cửa Thượng Tứ thì nghe tiếng gọi ở sau lưng, Hoàng không quay đầu lại nhưng thắng bớt để xe đi chậm lại và theo thói quen, chàng liếc về phía tay phải. Trăm lần như một Thủy đã vượt xe lên song song với chàng. Lần nào Hoàng cũng để Thúy đi bên phải mình, một là để Thúy được an toàn hơn, hai là chàng có dịp ngắm ngón tay cái của Thủy đặt trên cái cần chuông xe đạp rồi từ điểm chuẩn đó nhìn ngược lên cánh tay và khuôn mặt của Thủy. Ðó là một thói quen không biết Hoàng bắt đầu từ lúc nào, nhưng Thủy cho là rất dễ thương, Thủy đoán rằng anh chàng nhát gái này không dám nhìn thẳng mặt “người ta” nên cứ đi từ bàn tay đi lên. Thủy đỏ mặt khi nghĩ rằng trước khi nhìn lên khuôn mặt mình, hắn ta có dừng lại ở một nơi mà người con trai không có? Hoàng để ý Thủy luôn luôn đặt sẵn ngón tay cái nơi cần chuông, nhận diện ngón tay cái trước cho khỏi lầm người khác! Lâu ngày, ngón tay cái của Thủy trở thành người yêu của Hoàng, chàng nhớ nó rất rõ. Trên ngón tay này, chỗ gần bàn tay có một cái sẹo rất nhỏ, nhìn kỹ mới thấy được. Nhìn mặt người yêu có vẽ khác lạ, Hoàng hỏi:

– Em có chuyện gì phải không? Vui hay buồn vậy?

– Vui, rất vui nhưng em lo quá. Ði nhanh về nhà anh em nói cho nghe.

Về đến nhà Hoàng ở trọ, Thủy rảo khắp nơi trong nhà mặc dầu nàng biết lúc này chẳng có ai ở nhà, bà chủ nhà là người duy nhất trong nhà giờ này đang ở ngoài chợ Đông Ba. Hoàng tính nhen lửa hâm nóng đồ ăn để mời Thủy cùng ăn trưa luôn, nhưng nàng nói:

– Bữa nay em đãi anh ăn cơm tiệm. Anh ngồi xuống đây em có chuyện nói với anh!

Sau khi hai người đã ngồi bên nhau, Thủy lấy từ trong người ra một mẩu giấy bề ngang bằng 2 đốt ngón tay, bề dài gấp đôi và đưa cho Hòang:

“Hoan hô chiến thắng giải phóng Ðiện Biên Phủ”

Hoàng hoảng hốt:

– Sao em có những thứ nguy hiểm này, đem đốt đi chứ không bị bắt bây giờ, ai cho em vậy, em đừng có dại dột nhận những thứ này. Của Việt Minh đó! Lạy Chúa! Nhưng Thủy rất bình tỉnh, nàng chậm rải nói:

– Truyền đơn này chúng em tiếp nhận từ vùng tự do và đem rải trong thành phố hôm qua để đồng bào cùng vui chiến thắng. Hoan hô đại tướng Võ Nguyên Giáp! Anh sợ sao? Em chưa sợ sao anh lại nhát thế. Rồi đây quân Pháp phải chịu đầu hàng và bộ đội cụ Hồ sẽ chiến thắng. Pháp đang lạy lục ta để ký hiệp ước Genève…

– Em đừng làm chuyện nguy hiểm này, bị bắt là bỏ dở học hành mà bà ngoại em …

– Em làm cách mạng, em đâu có sợ chết, sợ bị bắt?

– Nhưng Việt Minh là Cộng Sản không phải vì dân, vì nước gì đâu, anh biết rõ lắm, em bỏ đi đừng làm nữa, vừa nguy hiểm cho thân mình lại vừa không phải là con đường chúng ta theo đuổi, không tốt đâu em…

Sau một hồi suy nghĩ, Thủy nói với Hoàng:

– Anh Hoàng! Em yêu anh, em muốn chúng ta cùng đi chung một đường. Con đường kháng chiến! Bao nhiêu chiến sĩ ngày đêm hy sinh cho dân tộc, làm sao chúng ta ngồi im mà không hoạt động? Em biết gia đình anh theo Pháp, nhưng tâm hồn anh rất cao quý, anh không bị ảnh hưởng của gia đình. Kháng chiến rất căm thù gia đình anh, nhưng em nói anh là người tốt, có thể tranh thủ được. Hè này anh về quê với em, chúng ta sẽ nghỉ hè ở làng và bàn bạc thêm. Em sẽ giúp anh học tập để trở thành một cán bộ của kháng chiến. Nghe em đi.

– Không! Trái lại, anh khuyên em nên dứt khoát với Việt Minh. Gia đình anh không theo Pháp, nhưng chúng ta không thể theo Việt Minh được. Anh đọc nhiều sách vở, tài liệu về Cộng Sản anh biết Hồ Chí Minh là đảng viên Cộng Sản….

Tờ truyền đơn bị Hoàng đốt, nhưng Thủy vẫn tranh thủ Hoàng. Nàng cho rằng Hoàng bị gia đình đầu độc. “Nghe anh mạt sát Kháng Chiến em rất đau lòng. Cụ Hồ cũng như những nhà yêu nước khác chỉ mượn chủ nghĩa Cộng Sản để mưu cầu giành độc lập. Trái lại Hoàng cũng cố níu kéo người yêu, đem tất cả những kiến thức mình biết được để nói cho Thủy biết, nhất là những hành động ám sát, thủ tiêu những người Quốc Gia, trong đó có chú, bác của Hoàng.

Hoàng gặp Thủy ba năm trước trên một chuyến xe lửa Huế – Quảng Trị. Khi đến ga Mỹ Chánh, Hoàng đang lấy hành lý xuống thì có tiếng người té từ trên tàu xuống đường rầy, chàng vội vả nhảy xuống đỡ người con gái đứng dậy, nhưng nàng phải đi khập khểnh vì một cục đá nhọn ghim vào đầu gối nàng. Sau khi biết cùng về Hưng Nhơn, Hoàng vui mừng vì người nhà của chàng đem tròng (một loại xuồng nhỏ) lên đón chàng dìu Thủy xuống tròng mình. Thủy về Hưng Nhơn thăm bà Ngoại và ở nghỉ hè tại đây. Mẹ Thủy đi lấy chồng ở chân đèo Hải Vân, ít khi về làng nên Hoàng không biết. Cũng từ đó, không nghe Thủy nhắc đến cha mẹ và tất cả ngày nghỉ đều theo Hoàng về quê ngoại. Cũng không thấy mẹ Thủy về thăm mẹ, thăm con. Mối tình giữa hai người nẩy nở tự nhiên như cây lúa ngoài đồng. Hè năm nay, Hoàng không cùng Thủy về làng vì chàng còn ở lại dự thi Tú Tài.

Hiệp định đình chiến Genève ký ngày 20 và ngày 21.7.1954 thì có hiệu lực, mọi người rất vui vì dù sao tiếng súng cũng đã không còn. Quảng Trị bị chia cắt nhưng Hưng Nhơn giáp ranh với Thừa Thiên, ranh giới là con sông Ô Lâu nên không bị ảnh hưởng sự chia cắt này. Một trung đoàn Việt Minh rút về Hưng Nhơn ở đó một tuần, chuẩn bị để đi bộ ra Bắc. Có độ hơn 10 cô gái Hưng Nhơn “lấy chồng một ngày”. Chị của Hoàng vào Huế cho chàng hay cứ ở lại Huế cho đến khi người nhà vào tin lại. Vì có một vài học sinh về ngay sau ngày đình chiến đã bị Việt Minh bắt đi tập kết với họ. Hoàng rất nóng lòng muốn biết tin tức của Thủy nhưng chàng sợ chị cười, nên vừa thi vấn đáp xong là chàng bay về làng. Thủy đã theo đoàn quân Việt Minh ra Bắc. Thì ra, mẹ Thủy đã theo cha nàng đi theo Việt Minh, do đó Thủy phải về ở với bà ngoại Hoàng mong cho Thủy được sum họp với cha mẹ nàng. Từ đó, 2 người mất hẵn tin tức của nhau. Bà ngoại Thủy cho hay nàng nhắn với Hoàng 2 năm sau nàng sẽ về lại, nhưng Hoàng biết chuyện đó không bao giờ xảy ra.

Súng nổ, súng nổ khắp nơi. Thành phố Huế đã bị Cộng quân tràn ngập. Hoàng vừa đưa 2 đứa con xuống gầm giường thì cánh cửa nhà chàng bị mở toang.

– Tất cả ra khỏi nhà! Giơ tay lên.

Hoàng và vợ líu ríu ra khỏi nhà, hai tay giơ cao. Ðúng như những tin tức mà Thủy nhận được Hoàng đã có vợ con, vợ Hoàng không ai khác hơn là bạn cùng lớp với Thủy, nhà ở bên cạnh nhà Hoàng ở trọ và là người được Hoàng kèm thêm toán mỗi cuối tuần. Thủy vội vàng đội sụp chiếc nón tai bèo và cầm ngang cây AK trước ngực. Nhìn Hường trong bộ đồ ngủ thướt tha, nép sát bên chồng Thủy như ngộp thở, mái tóc dài phủ xuống vai làm cho vẽ đẹp của Hường tăng thêm phần thơ mộng, Thủy nắm chặt cây súng, ngón trỏ lần vào cò súng. Ðáng lẽ người bên cạnh Hoàng phải là Thủy, những gì Hoàng có trong ngôi nhà này là của Thủy kể cả Hoàng. Nhưng mọi việc đã đảo lộn. Trong đêm tối, Thủy không thể thấy rõ khuôn mặt Hoàng, hay nước mắt đã làm cho Thủy không nhìn rõ cảnh vật? Biết vậy, Thủy đã không xin xung phong vào cửa Thượng Tứ, không rẻ vào đường Âm Hồn để hy vọng gặp lại con người thân yêu đã bao nhiều lần âu yếm Thủy.

Nhìn lại mình: một bộ đồ đen với chiếc nón tai bèo, với đôi dép Bình Trị Thiên cố hữu, tay chân mặt mày dạn dày với gió sương, cằn cổi, cục mịch. Tinh thần cũng như thể xác của Thủy sụp đổ! Nàng muốn ngồi bệt xuống đất, nhưng không thể được, nàng phải đứng dậy. Ðứng dậy như tất cả chiến sĩ cách mạng!

– Tên Việt gian này làm chức vụ gì?

– Thằng này là thầy giáo nhưng cả nhà nó là Việt gian hạng nặng, làm cho CIA . Giết nó đi không nguy hiểm!

– Tôi chỉ dạy học thôi! Xin anh đừng vu oan cho tôi.

– Mầy biết tao làm cách mạng nên mầy đánh hỏng tao mấy lần!

– CIA rất quan trọng. Cần lấy nhiều tin tức khoan giết vội. Không ngờ lời vu cáo “quá nặng”của tên chỉ điểm đã cứu Hoàng. Hoàng cũng không ngờ rằng chính Thủy đã cứu Hoàng thoát cái chết. Nhưng Hoàng bị bắt…

Thành phố Huế đổ nát, như chính lòng Thủy đang nát tan. Trận tấn công Huế Tết Mậu Thân kể như hai bên cùng thất bại! Phía Quốc Gia đã không giữ được an ninh cho dân chúng mấy ngày Tết thiêng liêng, nhiều cơ sở bị phá sập, một số gần 10 ngàn người vừa dân vừa lính chết và bị thương. Tang tóc phủ ngập thành phố. Kể từ nay, mỗi độ Xuân về người dân Huế phải gắng gượng sắm Tết, mừng Xuân, đồng thời cũng tưởng nhớ đến ngày kỵ, ngày giổ của thân nhân. Phía Việt Cộng cũng gánh lấy một tổn thất nặng nề lúc rút lui. Quân số lúc vào 100, lúc ra còn không được một phần mười. Chính Thủy cũng suýt chết khi vượt qua cầu Gia Hội, Trung đội của Thủy chỉ còn 3 người. Những thương binh không thể đưa đi theo đành phải động viên để họ tự xử. Nhưng cái thất bại lớn lao nhất của Việt Cộng là dân cả thành phố Huế căm hờn. Toàn bộ cơ sở nội thành bị tiêu diệt hoặc phải rút theo Bộ đội. Sở dĩ có sự thất bại đau đớn là vì cơ sở báo cáo sai, đơn vị nào cũng nghĩ rằng sẽ được dân chúng đón tiếp như những đứa con thân yêu trở về và họ sẽ tiếp tay để chiếm đóng Huế một thời gian lâu dài. Nhưng phía tấn công đã lầm, dân chúng chẳng những không theo mà còn chống đối, cọng thêm sự tàn ác, giết hại đồng bào bừa bải do những tên chỉ điểm vì tư thù, tư oán. Hơn nữa, tinh thần tác chiến cá nhân của binh sĩ VNCH rất cao, thiện chiến.

Kể từ khi theo đơn vị rút lui khỏi thành phố Huế, Thủy như người mất hồn. Nàng chắc Hoàng đã bị chôn vùi ở một nơi nào đó, hoặc trên các Lăng Tẩm vua triều Nguyễn, hoặc ở Bải Dâu hay ở ngoại ô. Hoàng ơi! Ðừng trách Thủy, Thủy chỉ là một hạt cát trong sa mạc mênh mông. Ðời Thủy từ khi xa Hoàng cũng như con chim lạc đàn. Khi ra tới Quảng Bình, Thủy mới biết cha Thủy đã tử trận, mẹ Thủy không biết trôi dạt về đâu, không có trong đoàn người tập kết. Thế là Thủy bơ vơ cô độc. Ðược Ðảng nâng đỡ, động viên, khuyến khích, cho đi học ở nước ngoài, nhưng với con mắt của một thiếu nữ sinh ra và lớn lên trong môi trường quốc gia. Yêu nước, chống xâm lăng, nhưng đồng thời cũng ấp ủ một đời sống sung túc, đầm ấm, v.v… Càng yêu nước, càng thương yêu đồng bào, càng muốn người cùng màu da chủng tộc đùm bọc nhau, nâng đỡ nhau, nhưng qua cuộc đấu tố địa chủ, qua những chính sách, chỉ thị quá xa lạ với Thủy và nhiều người. Thêm vào đó, cuộc sống luôn luôn bị gò bó trong kỷ luật, kể cả tư tưởng. Nàng nhớ lại những lời cuối cùng của Hoàng mà đau xót, thì ra Hoàng đã biết rõ, tuy không đầy đủ nhưng đại cương vẫn cứu được Hoàng khỏi lầm lạc như Thủy. Chắc Hoàng đau buồn lắm khi Thủy không nghe lời Hoàng, khi biết Thủy đã tập kết ra Bắc.

Tâm trạng của Thủy không qua được đôi mắt kinh nghiệm của Ðề, một cấp trực tiếp chỉ huy Thủy. Hắn thường viện cớ kiểm điểm cá nhân, đả thông tư tưởng cho Thủy để được gần gũi nàng. Hắn phân tích rất khúc chiết những chi tiết cuộc đời tiểu tư sản của nàng. Hắn cho rằng cái khó thu hoạch kết quả nhất trong việc phê bình kiểm thảo cũng như đả thông tư tư tưởng cán bộ là đối tượng không phát biểu ý kiến, không nói ra tâm trạng của mình, không đặt vấn đề với cán bộ. Ðó là thái độ của Thủy. Một bữa, sau cả tiếng đồng hồ “thuyết pháp” của Ðề, Thủy nói thẳng một câu: Tâm trạng của Thủy bây giờ như rủ liệt, Thủy muốn buông xuôi tất cả. Ðề chỉ chờ có thế, hắn ta ôm lấy Thủy, thông cảm với Thủy và chuyện gì đến đã đến. Nhưng khi Ðề vừa dằn Thủy xuống chiếc giường dã chiến của hắn cũng là lúc những quả bom máy bay làm nổ tung cả đơn vị. Ðề chết trên mình không có một mãnh vải. Cả đơn vị khinh thường Thủy, cho Thủy là lẳng lơ, hủ hóa, dâm đảng v.v… Mặc kệ.

Sau năm 1975, Thủy được điều động về ngành công an và chẳng bao lâu nàng cũng đã có đầy đủ tất cả, ngoại trừ tình yêu. Nàng là phụ tá đắc lực của Giám Ðốc Công An Ðồng Nai, đã đưa nhiều chuyến vượt biên thành công tốt đẹp. Lần này, theo kế hoạch của người chủ ghe. Họ sẽ bốc hàng từ các đường phố ở Saigon, trên 3 chiếc xe buýt lớn, mỗi người chỉ mang theo một xách tay gọn ghẻ, ngụy trang là đi tắm biển Vũng Tàu. Ba chiếc xe buýt đầy người lần lượt đổ xuống cây số 47, tất cả hành khách đều xuống xe và hấp tấp đi về mé biển. Nhưng khi họ vừa thấy “cá lớn” cũng là lúc họ nghe mấy tiếng súng thị uy từ các bụi rậm nổ ra. Trong khi đó, trên “con cá lớn” của họ, chủ ghe và thủy thủ đoàn đều bị những họng súng chỉa vào người. Tất cả đã bị bắt. Công an làm việc tận lực, lập biên bản tịch thu toàn bộ. Ðến 3 giờ chiều, mọi người bị lùa lên ghe cùng các sĩ quan công an để giải về Long Hải. Nhưng khi ghe nổ máy, mọi người đều được thông báo ghe sẽ trực chỉ ra khơi đêm nay, thay vì ghé Long Hải như dự định, các sĩ quan công an đã có một xuồng nhỏ cặp sát cá lớn đưa họ lên bờ. Trước khi xuống ghe nhỏ để trở về đất liền, các vị đầy tớ nhân dân đi bắt tay từng người nhận “mật mã” và nhận luôn những món quà của khách tặng. Ðây là “làm ăn thêm” chứ mọi chuyện đã có Chú Ba lo liệu tại Vũng Tàu.

Vị nữ đại úy công an vui vẽ bắt tay từng người, nhưng khi đứng trước một người, bà ta khựng lại:

– Ông có phải là ông Hoàng không?

– Thưa bà không! Tôi là Khang, Nguyễn Văn Khang.

– Anh Hoàng! Thủy đây! Thủy đây mà, anh quên Thủy rồi sao? Ồ! có cả Hường và hai cháu nữa. Em đã gặp mấy người hồi Tết Mậu…

– Thủy, mình nhận ra rồi, Thủy vẫn mạnh khỏe. Cám ơn Thủy hôm đó đã giúp tụi này. Không có Thủy anh Hoàng đã chết vì anh cán bộ Hải rồi. Rồi Hường hạ giọng, xin Thủy giúp tụi này lần này, Hường van xin Thủy hãy nghĩ đến…

– Chị nói xong chưa? Nếu Thủy muốn hại mấy người thì Thủy lánh mặt để cho anh em đưa mấy người xuống… xuống biển rồi. Bây giờ Thủy muốn cũng chưa muộn. Hoàng đừng có oán Thủy, mọi người đừng… đừng… Thủy òa lên khóc, từ ngày đó tôi đã mất tất cả, cha mẹ, bà ngoại, người yêu, cuộc đời. Giờ tôi một thân một mình cô quạnh. Một chút tình cảm cũng mất, một chút tình bạn cũng không còn. Trời.

Ðến bây giờ Hoàng mới mở miệng:

– Mình, mình xin lỗi đã hiểu lầm Thủy. Hay là…

– Phải đó, vợ Hoàng chêm vào, Thủy đi với tụi này đi.

Nhưng Thủy mỉm cười. Biết được Hoàng vẫn sống, gia đình đoàn tụ Thủy lấy làm an ủi lắm rồi. Chỉ có một thắc mắc, vì sao Hoàng sống sót được? Vợ Hoàng cho Thủy biết khi ra khỏi nhà Hoàng chỉ có một cái quần đùi và cái áo maillot, hai tay bị trói thúc ké. Khi đến gần An Lăng, hai bên chạm súng ác liệt, người chết đầy đường, lợi dụng lúc không ai để ý, Hoàng nằm xuống bên cạnh một xác chết, lăn qua lăn lại cho máu người chết lấm qua mình, nằm im giả chết mới… thoát chết.

Tết năm đó, Thủy vừa vui, vừa buồn. Vui vì Hoàng vẫn còn sống, Thủy không mắc tội đã đưa Hoàng vào chỗ chết. Từ nay, đêm đêm, Thủy không còn những cơn ác mộng, Thủy không còn nghe những tiếng súng chát chúa, thây người đổ xuống: đó là Hoàng, hoặc những chiếc mả tấu vung lên đầu người văng lông lốc miệng còn kêu hai tiếng: Thủy ơi! khiến Thủy hét lên mình đẫm mồ hôi.Cũng có khi Thủy thấy mình đang đi bên cạnh Hoàng với 2 con tiến vào một nơi xa lạ nhưng vui vẻ, không còn mả tấu, dao găm, không còn đồng chí, kiểm thảo, v.v..Nhưng Thủy sực tỉnh, người đi bên cạnh Hoàng không phải là Thủy mà là Hường! Thôi, Thủy đã mất tất cả, Chúc Hoàng hạnh phúc.

San Jose, Cuối Ðông Nhâm Ngọ.

Kiêm Ái