web analytics
NHẬN ĐỊNH/PHÊ BÌNH

XIN MỘT TRÀNG PHÁO TAY

Tôn Nữ Hoàng Hoa

Không biết từ đâu mà ra cái dịch có một số ca sĩ khi ra sân khấu đều xin xỏ một tràng pháo tay của khán giả? Vì họ thiếu tự tin hay bởi họ học cái thói trình diễn của các ca sĩ hay MC trong nước.  Ngoài cái việc xin xỏ một tràng pháo tay một số ca sĩ lại bắt chước câu chào hỏi của các ca sĩ trong nước cùng với cái âm điệu của giọng Bắc xâm lăng 75 nghe mà rởn tóc gáy:” Xin kính chào qúi vị khán giả với lòng trân trọng nhất và nồng ấm nhất”.  Khổ quá! không lẽ lòng trân trọng và nồng ấm lại có sắp hạng nhất nhì ba tư. Ấy thế mà cứ nghe hoài . Nghe các cô ca sĩ choai choai nước ngoài cũng bắt chước. Nếu một hay hai người “chơi chữ” như vậy thì không sao. Lâu dần cái đòn” giao lưu ” này rầm rộ ra hải ngoại và sự bắt chước của một số ca sĩ vừa mới lên đã làm người nghe vô cùng sượng sùng. Chao ôi! Còn đâu giọng Bắc của Hà Nội 36 phố phường xưa cũ năm nào.

Trong khi đó một số ca sĩ xưa thời VNCH vẫn nhã nhặn trong lối chào với 4 chữ gọn gàng “Kính chào qúi vị ” là đủ để diễn tả sự kính trọng của mình. Chứ làm gì phải trưng một loạt “Trân Trọng nhất nồng ấm nhất”. Chưa hết khi qúi vị nghe phần đông ca sĩ trong nước và ca sĩ trước 75 trình diễn vô cùng khác biệt. Ca sĩ trong nước không hát mà là hét. Cô ca sĩ nào mà hét nhiều với cài kiểu ngân nga he he he hư hư hư đà đa đa nhiều là perfect. Nhưng nghe ra như một đoạn vải thô đang trang trải trên một tấm nhung lụa mượt mà.  Vì vậy phần đông ca sĩ trong nước trình diễn ca hát toàn là hét và ngân nga mấy cái giọng đa đà đa hư hư he he cho ra vẻ blue Jaz của mấy ông Mỹ đen thổi xaxophone. Cái âm vang lê thê từ xaxophone đi vào lòng người bằng những ray rức của nỗi buồn thế kỷ trong những đêm khuya khoắc, trên những con phố dưới bóng đèn hắt hiu của một đêm dài u uất như nỗi lòng người da đen. Còn mấy ca sĩ trong nước muốn diễn tả cái lê thê đó qua những âm hường của mấy cái ” đà đa đa hay he he hư hư” là mang cái vẻ man rợ rừng rú mà người nghe không quen lại tưởng những tiếng man rợ đó đi từ những oan hồn của dân tộc Việt Nam đã chết oan khiên đang than khóc bi hận theo tiếng gió hú thổi về
Hét như vậy, ca như vậy rồi lại xin một tràng pháo tay thật là khổ.

Vỗ tay tán thưởng là cảm xúc tiếp nhận của mỗi con người khi họ cảm thấy hát hay, tiếng hát gieo vào lòng họ một nỗi bồi hồi xúc động. Một số ca sĩ trong nước chưa hát đã đòi hỏi vỗ tay chắc khác chi khi quan toà tuyên án tù mà bị can không biết mình bị tội gì. Thật là thê thảm. Như vậy mà lại đòi mọi người vỗ tay khen nhà nước khoan hồng. Mô Phật.

Cũng có một số ca sĩ lớn lên ở hải ngoại được những trung tâm ca nhạc tại hải ngoại huấn luyện họ không có những cai hư hư hư he he he đà đà đa đa như vậy, nên tiếng ca của họ mộc mạc dễ thương. Tuy chưa đủ kinh nghiệm trên con đường ca hát nhưng người nghe qua tiếng hát cũng bồi hồi cảm xúc tự nhiên họ vỗ tay và cũng không có ai xin một tràng pháo tay trước khi hát cả. Còn cái khúc xin một tràng pháo tay nghe nó hợm hĩnh vô cùng ấy thế mà mấy nữ ca sĩ trong nước vẫn õng ẹo cho em thêm một tràng pháo tay nữa . Em chưa nghe, xin vỗ to lên nào…” tôi ngồi xem mà rởn tóc gáy.

Nói đến nhạc của VC thì khỏi chê. Tôi không biết nhiều về nhạc lý nhưng tôi có cảm nhận của một người ngồi nghe hát. Thú thật nhạc trong nước do mấy cô ca sĩ trong nước hò hét như quản giáo gào la trong những trại tù nghe nó thê thảm không biết chừng nào. Nhạc không ra nhạc, ráp không ra ráp dở dở ương ương không giống ai. Như trong bài Trên Ngọn Tình Sầu nhạc của Từ Công Phụng phổ thơ của Du Tử Lê ở câu cuối:

Em ở đó bờ sông còn ẩm cát
Con sóng tình vỗ mãi một âm quen

Ca sĩ chỉ cần ngân cái âm quen ra dài thì người nghe sẽ cảm nhận cái hắt hiu buồn bã. Nhưng mấy ông mấy bà ca sĩ quốc nội lại chêm vào đó cái he he he hừ hư hư đà đa đa thì nó không giống ai và cũng chẳng còn nỗi buồn hắt hiu nào cả.

Ấy thế, mà hải ngoại các bầu show lại thìch order mấy cái he he he hư hư hư đà đa đa này. Vì sao qúi vị biết không vì cộng đồng Nail là những người chịu bỏ tiền đi nghe những ca sĩ này nhiều nhất. Nói cho cùng họ qua đây cũng đã trên tuổi 18 . Những bài nhạc của VC họ đã nghe quen cho nên bây giờ nếu có ai hát lại họ có cảm tưởng như gặp lại một người bạn xưa cũ . Vì thế họ không ngại chi ra. Mấy bầu show chỉ cần có thế. Không những ca nhạc mà bất cứ cái gì tổ chức mà có cộng đồng nail hổ trợ thì OK. Vì lẽ đó những buổi tổ chức mà trước 8 giờ đêm thì khó thành công vì lúc đó anh chị em làm nail chưa bãi sở.

Đó cũng là vấn nạn của chúng ta trên những sinh hoạt của cộng đồng. Ngay cả nhà thờ hay chùa chiền khi làm show gây quỹ cũng phải đợi. Đợi cho đến nửa khuya mới bắt đầu. Thảm thương nhất là những vụ mời đi đám cưới. Thiệp mời đám cười để 7 giờ bắt đầu. Tuy vậy khách mời chưa đến đủ thì chưa bắt đầu mãi cho đến 9 hay 10 giờ mới mở màn. Mấy ông bà khách ngồi chờ khai mạc đói meo móc…bèn thở dài. Vì lẽ đó cái câu không đi trễ không là người VN thì cũng tội cho họ lắm.

Thưa Qúi vị. Bài viết này được viết ra đây hôm nay để chúng ta cùng cảm nhận những sự việc trái ngược trong sinh hoạt của Cộng Đồng. Nếu bảo chúng ta tìm một giải pháp thì chẳng có giải pháp nào ?? Chịu thôi!

Chỉ tiếc rằng những ca sĩ tài năng trong nước lại được huấn luyện dưới “tài năng” của mấy ông bà ca nhạc sĩ văn công đi từ rừng rú Trường Sơn ra thì những ca sĩ trong nước chỉ là hình ảnh của con ngựa đang sải vó ngựa trên đường thiên lý thật xa nhưng hàm khớp và mắt bị che thì chỉ còn lại tốc độ đui mù của một con đường một chiều bao la . Trong bao la mà chẳng hiểu vô cùng , trên dặm dài mà không cảm hết mênh mông thì thật là đáng thương như những kẽ đáng thương đang trãi lòng mình qua tiếng hát he he he hư hư hư đà đa đa vô nghĩa.

Tôn Nữ Hoàng Hoa
29/9/2019