web analytics
THƠ

Hạt Gạo Trắng Ngần

Kiêm Ái

“Tiếc thay hạt gạo trắng ngần
Đã vò nước đục lại vần lửa rơm”
                 Ca dao

Ai cũng khen chị Luyến đẹp, tôi cũng khen chị Luyến đẹp mặc dù hồi đó tôi không biết chị đẹp ra sao, chỉ biết mỗi lần tôi khen chị đẹp thì chị cười vui vẻ, và thỉnh thoảng chị cho tôi mấy cái kẹo cau. Có lần chị hỏi sao tôi biết chị đẹp, tôi trả lời vì ai cũng khen chị đẹp khiến chị cười ngặt nghẽo. Một thời gian sau, chị lại hỏi tôi làm sao biết chị đẹp, đẹp chỗ mô, tôi cũng không biết chị đẹp chỗ mô, nhưng tôi nói vì chị có nhiều người gởi thư lắm. Lần đó chị khen tôi giỏi và cho tôi năm xu. Nửa xu là có thể mua kẹo rồi, thế mà chị cho tôi những 5 xu, tôi chắc chị vui vẻ nhiều lắm. Có nhiều người “thuê” tôi đưa thư cho chị. Mỗi lần có anh chàng nào nhờ tôi đưa thư chị Luyến đều nhận và chị cho biết chị sẽ nói cho anh ta hay là chị đã nhận được thư “để anh ta trả tiền cho em”. Mỗi lần nhận thư chị đều hỏi tôi được bao nhiêu tiền, tôi nói khi thì nửa xu, khi thì một xu.. Có lần anh chàng ở Huế theo cậu tôi về chơi, gởi thư cho chị Luyến cũng nhờ tôi đưa, anh ta cho tôi những 10 cái xu nửa màu đỏ au trông rất đẹp. Tôi chưa bao giờ thấy chị Luyến đọc thư ai, nhưng mỗi lần được thư chị rất vui vẻ, chị mân mê cái bì thư, hình như để đánh giá người gởi qua cái phong bì và nét chữ viết ở ngoài. Nhưng tôi biết cái nào do chính anh chàng viết, cái nào thuê người khác viết và cái nào … tôi viết thuê.

Hồi đó tôi còn nhỏ, một cậu bé nhà quê chín, mười tuổi làm sao mà biết một thiếu nữ đẹp làm sao, tôi chỉ biết những anh trai làng thường say mê ngắm chị Luyến khi chị đi gánh nước, tóc chị Luyến kẹp chiếc kẹp đồi mồi vén cao đầu tóc để lộ cái cổ trắng ngần, chị hay mặc chiếc áo vải quyến mỏng, cái lưng lồ lộ, thấy rõ những dây treo nịt ngực., và làn da trắng của thân thể.

Chiếc quần đen được xăn lên trên đầu gối rất … cao., để trần cặp chân trắng nỏn., đều bước khi gánh một gánh nước đầy.

Thời đó và cho tới bây giờ, quê tôi dùng nước gánh từ sông, không nhà nào có giếng, do đó, các thiếu nữ và các bà đều phải đi gánh nước. Họ dùng đôi thùng đựng dầu hỏa hình vuông hay đôi “đột” đất sét nung với đôi gióng. Muốn múc nước phải lội ra xa, khi mặt nước gần chấm chỗ quần đã xăng lên, người gánh nước hụp 2 đầu thùng hay đột múc đầy nước rồi gánh lên bờ. Phải rất cẩn thận vì bến nước có bực cấp bằng đá ong hay đá tảng, đột làm bằng đất nung mà va vào đá là tiêu luôn, một khi một đầu đã va vào đá thì đầu kia mất thăng bằng rớt xuống cũng bể luôn.

Nước dùng để giặt rửa thì mỗi kiệt có một bến, nhưng nước uống phải gánh tại ngã ba sông lớn., do đó mà chị Luyến cũng như những người khác mỗi ngày đều phải gánh ít nhứt là hai gánh mới đủ dùng. Chị Luyến có làn da trắng hồng, mặt tròn, đôi mắt to và đen, miệng chị chưa cười nhưng mắt đã ánh lên niềm vui, hai môi chị đỏ tươi, chiếc cổ vừa trắng, vừa cao. Đó là những nét đẹp mà hồi đó tôi nghe mấy chàng trai diễn tả về chị. Sau này, khi đã là một thanh niên. tôi còn biết chị Luyến đẹp vì nhiều cái khác nữa, như thân hình cân đối, ngực nở và vun cao, nhứt là đôi mắt thực quyến rũ, ai nhìn đến đều như bị nhận chìm cả hồn lẫn xác vào cặp mắt của chị v.v…, Tóm lại, so với các thiếu nữ mà tôi đã gặp, chị Luyến là người con gái đẹp nhứt.

Tính tình chị nhu mì, hiền hậu, giúp đỡ mọi người và vui vẻ với tất cả những ai chị gặp, chị giao thiệp. Những cô gái khác ganh tỵ, cho chị làm như vậy để “câu trai”, nhưng tôi biết, chị chẳng cần câu ai, vì như trên đã nói đã có quá nhiều người tán tỉnh chị, gởi thư cho chị mà tôi chưa thấy chị trả lời ai. Những người gởi thư cho chị qua tay tôi có đủ hạng người, học trò, trai cày, trai thợ, có cả những thanh niên trong Huế ra chơi củng mết chị.

Tôi chưa nói liên hệ giữa tôi và chị Luyến hồi đó, chị hơn tôi những năm sáu tuổi, nhà chị và nhà tôi chung nhau một hàng tre. Tôi có bà mẹ ghẻ. Mẹ ghẻ đánh con chồng là chuyện thường, mỗi khi bị đánh xong, tôi thường ra cây vả gần ranh nhà chị, tôi đã thấy chị ngồi chờ với một ít muối sống gói trong lá. Chị vạch những nơi rướm máu, bỏ muối vào miệng dần cho nát, trộn với nước miếng rồi xát lên chỗ vết thương, tôi xuýt xoa vì rát, chị Luyện không ngớt miệng an ủi tôi, nhưng khi nhìn những giọt nước mắt từ đôi mắt đẹp của chị, tôi thật ấm lòng và mỉm cười. Thỉnh thoảng mẹ chị cũng giúp tôi những khi chị vắng nhà. Tôi không nhớ rõ chị bắt dầu săn sóc tôi như vậy từ bao giờ, cũng không biết vì sao mỗi lần bị mẹ ghẻ đánh tôi lại ra ngồi ở cây vả sau vườn, có lẽ lần đầu tiên là do chị Luyến bảo tôi ra đó để chị săn sóc cho. Thỉng thoảng tôi lén chạy về nhà ngoại tôi thì phải băng qua vườn chị, nhưng cả nhà chị không ai ngăn cấm tôi như đã cấm ngặt những đứa khác vì nhà chị có rất nhiều cây ăn trái. Tuy vậy, tôi chưa bao giờ đụng đến trái cây nhà chị, dù là trái rụng. Thỉnh thoảng nhà chị có giỗ; có đãi khách hay có việc gì, chị cũng dành phần cho tôi. Mỗi khi tôi đi học phải đi ngang qua cổng nhà chị, chị và mẹ chị thường hay quan sát và hỏi tôi có bị đòn không. Hình như trước khi chết, mẹ tôi có nói gì với mẹ chị vì hai bà là bạn với nhau.

Một buổi tối, chị đón tôi đi đọc kinh tối ở nhà thờ về rồi dặn chút nữa ra cây vả chị có chuyện nhờ. Đợi cho cả nhà ngủ yên, tôi ra chỗ hẹn, chị nắm tay tôi dẫn qua nhà chị, chị ra dấu cho tôi im lặng rồi đưa tôi vào buồng kín gần bếp, cách nhà trên của chị một cái nhà cầu dài. Chị đóng kín cửa, đốt ngọn đèn Hoa Kỳ và đưa cho tôi một cái thư, biểu tôi đọc. Lúc đó tôi mới biết chị Luyến không đọc chữ được. Tôi đọc cái thư này vừa đủ chị nghe. Chị Luyến nghe chăm chú hết cái thư rồi biểu tôi đọc lại một lần nữa. Có những câu chị bảo tôi đọc lại nhiều lần. Đây là một bức thư như những bức thư chị nhận được, nhưng không có tên người gởi ở cuối thư. Lúc tôi định ra về thì chị giữ lại, rồi rút trên dàn xuống một manh giấy trắng có kẻ hàng sẵn và một quản bút, mực. Chị đọc cho tôi thư trả lời. Viết đến hết bức thư theo lời đọc của chị Luyến, tôi cũng không biết chàng trai đó là ai mà đươc diễm phúc chị Luyến hồi âm và nhận lời. Tôi chỉ biết người này cũng là người làng, nhưng đang ở xa. Tôi nghĩ thế nào khi đề bì thư, tôi sẽ biết tên anh chàng này nên không hỏi. Nhưng tôi lầm, chị Luyến không nhờ tôi làm việc đó. Tôi cũng không hỏi.

Chị Luyến cho tôi tiền, nhưng tôi không lấy, tôi nhứt định từ chối. Khi chị biết tôi nhứt quyết không lấy tiền chị rất cảm động, chị nhét vào túi tôi một trái quít, quít nhà chị là quít đường rất ngọt cả làng không ai có nên rất quí. Vì trái quít này mà tôi bị hai trận đòn nên thân và xuýt lộ việc của chị Luyến. Số là khi chị đưa tôi về đến nhà thì đã khuya, tôi buồn ngũ không ăn nỗi trái quít nên để trên đầu giường. Sáng đó tôi dậy trễ vội vàng đi học không đem theo trái quít. Mẹ ghẻ tôi vào phòng thấy trái quít còn cả cuống và lá tươi, bà biết là của nhà chị Luyến, khi tôi vừa về đến nhà thì bà ta đã cầm roi chờ sẵn. Tôi nói là chị Luyến cho, nhưng bà không tin, hay cố tình không tin. Đến lúc tôi nhừ đòn rồi bà mới kéo tôi qua nhà chị Luyến để kiểm chứng. Bà mẹ chị Luyến bảo bà cho tôi, vì lúc đó chị Luyến đi gánh nước, và bà xin mẹ ghẻ tôi tha cho tôi. Bà kéo tôi về và thêm một trận đòn nữa, vì cái tội “ăn cắp mà có người làm chứng gian”. Trái quít đó tôi không được ăn! May mà mẹ chị Luyến đón đường cha tôi xin cho tôi chứ không thì tôi cũng bị một trận đòn nữa của cha tôi. Tuy vậy, tôi vẫn là người đọc thư và viết thư cho chị Luyến, và thỉnh thoảng cũng đưa thư của những anh khác cho chị Luyến.

Một hôm, chị Luyến kêu tôi qua nhà và vào buồng ngũ quen thuộc của chị. Lần này chị Luyến không có thư cho tôi đọc, cũng không viết thư, nhưng chị Luyến ôm tôi vào lòng và khóc thực nhiều, chị cho tôi biết chị sắp phải lấy chồng. Tôi nói:

– Chị thương anh ấy thì chị lấy chồng, sao chị khóc.

– Người buộc chị phải lấy không phải là anh Phan. Thì ra, anh Phan là người yêu của chị Luyến. Tôi biết anh Phan là người trong làng, nhà anh nghèo lắm, anh phải đi làm xa, nghe đâu tận Saigon Lục Tỉnh.

– Sao chị không kêu anh Phan về?

– Vô ích em ạ! Anh Phan về cũng không thể đi hỏi chị vì anh ấy rất nghèo. Cha mạ chị gả chị cho ai em biết không? Thằng Hướng đó.

– Trời đất, tôi kêu lên. Nó còn nhỏ mà.

– Nó 16 tuổi rồi. Cha mạ chị đã nhận lời, sắp làm đám cưới rồi. Có thể cuối tháng này.

Tôi chẳng biết nói sao để an ủi chị. Tôi muốn về nhưng không dám, sợ chị Luyến buồn. Tôi thương chị Luyến. Tôi không muốn chị buồn, nhưng tôi không làm gì được để giúp chị. Chợt chị Luyến nói:

– Em giúp chị lần cuối được không?

– Được, được, em viết thư cho chị.

– Không, chị không viết thư nữa, vì anh Phan biết sẽ buồn. Chị nhờ em trao cái này cho anh Phan khi nào anh trở về. Nói xong, chị Luyến đưa kéo lên mái tóc và cắt một nhúm, quấn lại, bỏ vào bọc vải nhỏ cột chỉ rồi trao cho tôi.

– Em nhớ đừng cho ai hay và chỉ trao cho anh Phan. Chị nhét vào túi áo tôi, rồi ôm chặt lấy tôi, nước mắt chị rơi lả chả, chị nói:

– Em biết không. Anh Phan nhiều lần muốn ôm chị như chị đang ôm em bây giờ, nhưng chị từ chối, chị sợ. Bây giờ thì chị muốn cho anh Phan ôm chị cũng không thể được nữa. Bất chợt, chị đẩy tôi ra rồi nắm lấy 2 bàn tay tôi đặt lên ngực chị, ngực trần. Chị áp hai bàn tay chị lên tay tôi, đặt đúng vào hai nhũ hoa của chị. Mồ côi mẹ từ nhỏ tôi chưa bao giờ biết đến vú mẹ, mỗi lần nhìn đứa bé đang bú mẹ một tay ôm lấy lưng mẹ, một tay mân mê đầu vú bên kia, tôi không hiểu vì sao nó lại nghịch như vậy, tôi cố nhớ lại tôi có bú mẹ hay không, nhưng tôi không thể nhớ. Hình như mẹ tôi qua đời sau khi sinh tôi vài ngày hay vài tuần. Xứ tôi không có lệ nuôi vú vì ngại dòng sữa của những người đó làm lạc giống. Tôi chỉ có một bà già giữ tôi mấy năm đầu, có lẽ trước đó tôi được ăn nước cháo với đường thì phải. Nhưng tôi không hiểu sao lúc đó tôi cũng làm như đứa trẻ bú mẹ, mà tôi cũng không biết vì sao, làm vì thấy những đứa trẻ đã làm hay làm vì duyên cớ gì khác, nhưng có điều tôi biết chắc tôi rất thích khi “giúp” chị Luyến làm như vậy. Trong khi đó, toàn thân chị Luyến run lên từng hồi, chị xiết chặt tôi và hôn tôi liên tục, chị như người mê sảng, chị nói:

– Anh Phan, nếu anh ở bên em lúc này em sẽ cho anh tất cả, em không tiếc một cái gì với anh, em sẽ theo anh đi Saigon Lục Tỉnh. Em không thể lấy một thằng đần độn như thằng Hướng, em không thể. Và chị khóc rất nhiều.

Đám cưới chị Luyến tôi không được tham dự mặc dù chị Luyến và mẹ chị xin mẹ ghẻ tôi cho tôi tham dự nhưng bà viện cớ tôi phải đi học. Tan trường, tôi chạy về thật nhanh, nhưng chị Luyến đã qua bên kia sông trước đó một giờ. Mẹ chị Luyến kêu tôi vào “ăn cưới có để phần” nhưng tôi không dám và cũng không muốn ăn gì cả vì từ nay tôi đã mất chị Luyến, một người chị mà tôi thương như chị ruột, dù tôi không có chị, tôi buồn lắm. Sau này thỉnh thoảng chị Luyến có về nhà nhưng không gặp tôi, tuy vậy lần nào chị cũng gởi tiền hay bánh cho tôi. Qua những lần nghe cha mẹ chị Luyến nói chuyện với nhau tôi biết chị Luyến rất khổ vì “thằng Hướng” hay đánh đập chị, tuy gia đình nó chỉ có 2 cha con nhưng cha Hướng thường vắng nhà, sau này tôi biết ông ta bí mật theo Việt Minh. Cha mẹ chị ham giàu nên mới gả chị cho thằng Hướng. Cũng vì anh Phan đã về và tìm gặp chị Luyến nên chị bị đánh đập nhiều hơn, dù hai người không giáp mặt nhau. Tôi trao cho anh gói tóc của chị và nói lại tất cả những gì xảy ra đêm hôm chị đưa tóc cho tôi. Anh Phan cũng khóc và rồi từ đó anh trở lại Saigon, không về nhà nữa.

Chiến tranh lan rộng, tôi theo gia đình vào Huế học và tôi luôn hỏi thăm tin tức chị Luyến nhưng không ai biết. Sau khi đình chiến theo hiệp định Genève tôi về làng vì ngoại tôi mất năm trước mà tôi không về được, vả lại cha tôi cũng muốn tôi về làng để xem ruộng vườn nhà cửa, mồ mả ông bà ra sao. Tôi cũng muốn về để gặp lại chị Luyến, một cảnh tang thương chưa từng có cho quê hương tôi. Một khu vực trù phú bên bờ sông Ô Lâu nay chỉ còn lại những cái nhà thấp lè tè, đúng hơn là những cái chòi. Đình chùa, nhà thờ, trường học v.v… đều sụp đổ, không còn tre, không còn cây ăn trái và cảnh vật trở nên xa lạ. Tôi phải cố gắng lắm mới nhận ra cảnh vật, nhận ra nhà tôi.

– Tuấn Tuấn vào đâ với chị, Tuấn, Tuấn. Chị Luyến gọi tôi. Tôi chạy lại, hai chị em ôm nhau mừng rỡ. Chị nghẹn ngào “chị tưởng không bao giờ gặp lại em. Cám ơn Trời Phật” Chị khóc, tôi cũng khóc. Chị kéo tôi vào nhà, hai chị em mừng rỡ, không biết nói gì nữa. Hồi lâu, tôi thấy một đứa nhỏ độ một tuổi đang ngủ trong nôi. Tôi hỏi:

– Chồng chị không đi “tập kết” sao?

– Hướng đi rồi, thằng này con của thằng Việt Minh khác.

Chị kể tôi nghe, ba năm trước Việt Minh biểu chị cùng những người khác có chồng con “thoát ly” theo tụi nó, lên Bến Cộ, một làng dưới chân dãy Trường Sơn, gần chiến khu của chúng để gặp chồng con và nhớ mang theo quà Tết. Rất nhiều người đi thăm chồng con, ai cũng làm một gánh nào bánh tét, bánh chưng, bánh nổ v.v… có cả thịt heo nữa. Lên đến nơi, Việt Minh dẫn mỗi người đi một nhà, riêng chị được chúng cho vào một nhà không người ở, chỉ để xay, giả gạo cho bộ đội. Đây là nhà “làm gạo kháng chiến”. Tổ xay giả này có nhiều tổ viên 13, 14 tuổi tham gia, do đó, có những cái chày chỉ bằng bắp tay vừa sức của chúng.

Đến đêm thứ hai, chúng báo cho chị biết chồng chị sẽ về tối nay. Đến khuya, trời tối như mực, nhà không có đèn vì sợ “máy bay Pháp thấy”. Chị thấy một bóng người vào, chỉ hỏi, người đó chỉ nói một tiếng “Anh”, rồi y tiến vào, ôm lấy chị, ân ái cùng chị mà không nói một tiếng, chị hỏi gì thì y chỉ đưa tay lên miệng chị, ra hiệu đừng nói. Đến lần thứ hai thì chị đủ bình tỉnh để nhận ra nó không phải chồng chị, chị xô nó ra và quơ được cái chày nhỏ, chị nện nó một chày và thoát chạy, nó thét lên thê thảm và vì tiếng thét này mà mấy tên bảo vệ rượt theo chị, chị chạy thoát nhưng bị bắn trúng chân, lết được về gần Mỹ Chánh thì chị kiệt sức và ngất xỉu, may nhờ đồng bào đưa về trạm y tế của lính Quốc Gia tại Mỹ Chánh băng bó và gặp mấy anh người làng giúp đỡ bảo lãnh khỏi bị bắt vì tình nghi, cho ở nhà với vợ con họ. Kết quả bi thảm là là “thằng nhỏ này ra đời” mà chính chị cũng không biết cha nó là ai, nghe đâu y là một cán bộ Việt Minh cao cấp, bị cái chày nện trúng lưng, bị thương nặng lắm.

Chồng chị nhiều lần tìm cách nhắn chị “về làng” vì “Cách Mạng đã kiểm thảo và phạt nặng kẻ hủ hóa” và không trừng phạt em, nếu em trở về”, nhưng chị không tin Việt Minh, chị viết thư đoạn tuyệt với chồng và ở lại Mỹ Chánh cho đến khi đình chiến chị mới về làng.

Hình ảnh chị Luyến ngồi cho con bú vào một chiều nắng cuối hạ là một hình ảnh đẹp tuyệt vời, đưa trẻ cũng vừa bú, vừa mân mê vú mẹ làm tôi mê man nhớ lại những gì đã xảy ra mấy năm trước giữa tôi với chị. Bất chợt chị nhìn lên và bắt gặp ánh mắt của tôi chị mỉm cười, một nụ cười làm ấm lòng tôi. Chị đặt đứa bé vào nôi rồi nhìn tôi tríu mến:

– Thời gian qua nhanh quá, chị luôn luôn nhớ em, nhớ những lần em bị đánh đập, nhớ những lần em đọc thư anh Phan cho chị, nhứt là nhớ đêm hôm chị nhờ em trao tóc cho anh Phan, chị cứ phân vân không biết lớn lên, hiểu chuyện đời” rồi em có khinh chị không, em có vì vậy mà có ý nghĩ không tốt về chị không?

– Không, lớn lên em càng thương chị hơn. Chị làm vậy là muốn tỏ cho anh Phan biết chị yêu anh Phan tha thiết mà thôi. Em thương chị nhiều lắm, nhứt là những lúc em nghe chị bị chồng đánh đập. Hồi ở Huế, mỗi khi bị mẹ ghẻ đánh em lại càng nhớ chị hơn.

Đêm hôm đó tôi ngũ lại “nhà” chị Luyến. Tất cả nhà cửa đều bị Việt Minh (Việt Cọng) đốt phá để “tiêu thổ kháng chiến”, nhà ngoại tôi cũng bị cháy và người dì duy nhứt của tôi đã theo chồng ra Bắc tập kết. Cha chị Luyến bị Việt Minh bắt giam và bị chết đói ở chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị) vì ông không chịu lên Mỹ Chánh khuyên chị về làng, ông biết nếu chị về làng, chúng sẽ giết để bịt miệng hoặc phải phục vụ tên “thương binh” do bị chị hại suốt đời. Mẹ chị chết vì một trái đạn súng cối rơi vào nhà ban đêm. Chị Luyến giao đất đai “nhà cửa” nhà chồng cho người em họ chồng và về lại vườn cha mẹ, dựng cái chòi vừa để ở, vừa bán hàng xén, để “cắt đứt một giai đoạn đau thương đời chị”.

– Chị chỉ lo em gấp về sẽ bị Việt Minh bắt đi tập kết, có mấy học sinh xóm dưới gấp về thăm cha mẹ, bị chúng bắt theo ra Bắc, chỉ có một đứa con gái trốn thoát được trở lại nhà.

– Em biết, khi em đến Mỹ Chánh, ông bà Th. có đón em và nói chị dặn họ giữ em lại trước khi Việt Minh rút ra Bắc nếu em về. Em cám ơn chị.

– Em có “bồ” chưa? Mẹ ghẻ em còn đánh em không?

– Chưa. Rồi tôi nói đùa, sau này vì không ai xát muối cho em nên bà mẹ ghẻ không đánh nữa. Hai chị em cùng cười.

– Nghe nói gái Huế đẹp lắm mà không có cô nào lọt vào mắt em sao?

– Không có cô nào đẹp bằng chị Luyến của em.

– Em nói xạo. Tuy vậy, tôi thấy gương mặt chị sáng ngời, hai má ửng hồng, đôi mắt trở nên mơ mộng và chị mỉm cười vu vơ, chứng tỏ chị rất sung sướng khi nghe điều đó. Chị tin tôi và tôi cũng nói với tất cả thành thật.

Theo dơn vị hành quân về lại gần làng năm hôm rồi mà tôi chưa có dịp về nhìn nơi chôn nhau cắt rốn, tôi lập trạm xá dả chiến tại đồn U Điềm trên bờ sông Ô Lâu, đối diện với làng tôi. Lính và dân bị thương, bị bệnh nằm la liệt, không đủ chỗ chứa, khiến chúng tôi bận suốt ngày và cả đêm nữa.

Một buổi sáng có người cho tôi hay có một người bị thương muốn gặp. Đó là chị Luyến. Nếu không biết trước, tôi không nhìn ra chị. Chị gầy và già đi rất nhiều. Đứng bên giường chị có 3 đứa trẻ, đứa nhỏ nhứt chỉ độ 4, 5 tuổi, tất cả là con chị. Tôi không ngờ chị Luyến của tôi lại ra nông nổi này, tôi vừa mừng vừa đau xót cho chị như chính chị ruột tôi. Mãi đến năm ngày sau chị Luyện mới thực sự qua cơn nguy hiểm và khá hơn trước, tiếng nói của chị gần như bình thường, sắc mặt chị đã có màu hồng. Lúc này tôi mới cho phép chị nói chuyện và tôi lắng nghe.

– Chị không ngờ đời chị lại ra nông nổi này. Mấy tháng sau khi chị em mình chia tay thì Hướng vào nhà chị. Hắn giả vờ đi tập kết nhưng ở lại để “chuẩn bị tư tưởng nhân dân cho Tổng Tuyển Cử”, hắn hăm giết con chị nếu chị tiết lộ. Thế là chị phải chứa chấp hắn, ban ngày hắn ở dưới hầm bí mật do hắn đào ngay trong nhà chị, ban đêm hắn lên và đi hoạt động, hắn giao công tác giao liên buộc chị làm, nếu không thì con chị bị giết. Khi chị có thai với Huớng được mấy tháng thì anh Phan trở về. Hắn buộc chị đầu độc Phan vì anh Phan hay đến nhà chị, chị hẹn lần, nhưng hắn ra hạn chót trong hai ngày phải thi hành. Hướng dồn chị đến chân tường, giết Phan chắc gì chị tránh khỏi tù tội, sau Phan còn ai nữa vì người ta thấy chị còn trẻ lại không chồng, thế nào họ cũng “lui tới”, hơn nữa, bụng chị ngày càng lớn không thể giấu được. Cuối cùng, chị quyết định thà để Hướng ở tù hơn là chị phải đầu độc Phan hậu quả tai hại không thể lường được. Không có con đường nào khác. Nhờ sự sắp đặt của cơ quan an ninh, Hướng bị phục kích khi qua làng của hắn hội họp, nên chị không bị Việt Minh nghi ngờ. Người ta quyết bắt sống, nhưng hắn chống trả quyết liệt nên bị chết.

Cơ hội này, anh Phan muốn chắp nối với chị. Chị từ chối và trình bày tất cả sự thật cho Phan hay, Phan hứa quên hết mọi quá khứ của chị. Nhưng lòng người khó biết, sống với nhau được một tuần là Phan bắt đầu ghen kinh khủng với quá khứ của chị, anh ta tra khảo quá khứ của chị hằng đêm, ghen cả với em, mặc dù chị thề độc, thề bán mạng, tình chị em mình trong trắng không khác gì chị em ruột, vả lại lúc đó em chỉ là một đứa trẻ. Phan đánh đập tàn nhẫn hai mẹ con chị.

– Đứa nhỏ nhứt là con anh Phan?

– Đúng. Chị và Phan bỏ nhau khi chị gần sinh thằng này.

Sau khi bình phục, tôi khuyên chị vào Huế sống tạm nhà cha tôi và góp vốn ở quê vào mở một quán tạp hóa nhỏ sống qua ngày. Ba đứa con của chị đã được vào trường. Có nhiều người theo đuổi chị, nhưng chị “sợ quá rồi”. Một lần tôi về phép chị hỏi:

– Sao em vẫn chưa có vợ?

– Em xấu trai, chẳng ai thèm. Đôi mắt đẹp của chị Luyến trở nên xa xôi

– Hay là tại chị? Tôi ngạc nhiên:

– Tại chị làm sao?

– Tại số chị rủi ro bạc phước…

– Em không hiểu ý chị, nói rõ ra đi.

– Tại số chị cô độc mà… mà vì cái… đêm đó… chị làm… và em là người đầu tiên…chạm đến người chị.

Chị Luyến bỏ lững câu nói, nước mắt tuôn lả chả. Tôi nhớ lại một câu thơ của Victor Hugo: “Pusque j’ai mis mes lèvres à ta coup encore plaine” (Vì ta đã đặt môi vào chén em lúc còn đầy). Tôi nói:

– Hay là tại em?!

Hai chị em cùng cười.

Kiêm Ái