web analytics
TRUYỆN NGẮN

ĂN TẾT VỚI VIỆT CỘNG

Kiêm Ái

Sau khi Cộng Sản vào Saigon, tôi quyết định không để cho bọn chúng bắt. Tôi trốn. “Sống với vợ con ngày nào hay ngày đó” tôi tự nhủ, chứ vào tay Cộng Sản như cá nằm trên thớt. Sau này bạn bè ai cũng cho tôi là can đảm. Nhưng không phải vậy, tôi trốn Cộng Sản chỉ vì tôi sợ chúng. Nói ra thì nghe rất mâu thuẩn nhưng đó là sự thật. Tôi cứ nghĩ đến những sự việc xảy ra ở Huế Tết Mậu Thân mà sợ. Du kích theo bọn chỉ điểm vác súng đi từng nhà, bắt “ngụy quân, ngụy quyền” để rồi chôn tập thể tôi ngán lắm. Năm 1975 nhìn trên báo Time những tên du kích nhóc tỳ 14, 15 tuổi vác súng dài hơn thân mình chúng, mặt đứa nào cũng đằng đằng sát khí ngày chúng chiếm Đà Nẵng đủ cho tôi “không thèm” trình diện con cháu “Bác”. Sau đó CSVN hô hào “trình diện học tập một tháng”, có mang theo tiền ẩm thực. Nghe như là thật vì ở tù ai lại mang theo tiền ăn ! Than ôi ! Cái thành thật của con mèo giỡn với con chuột. Vợ tôi nói “Hay là anh trình diện đi, một tháng thôi mà”. Tôi trả lời bả “Hàm chó vó ngựa biết đâu mà lường”. Mãi đến khi mọi người đã lên đường rồi tôi mới yên tâm. Cái yên tâm của một kẻ đã bị tuyên án hay tuyên chiến, không còn đường rút lui.

Thế là tôi trở thành nông dân. Một “lao động vinh quang” của tỉnh Đồng Nai. Hôm đi khai lý lịch, mọi người ai cũng bị mấy tên cán bộ ba mươi tháng tư hạch xách đủ điều, riêng tôi thì không. Tôi khai sinh năm 1931. Biết đọc biết viết. Mấy tên cán bộ không hỏi lôi thôi vì chữ tôi quá xấu, “chữ như mèo quào”, ngoài tuổi quân dịch, dốt là thứ không làm nên trò trống gì, do đó chúng không hạch hỏi lôi thôi. Đây là lần đầu tiên tôi được hưởng một cái “benefit” vì chữ xấu. Trời đất thực sự đã đổi dời, trong cái dở cũng có cái hay. “Chữ viết như mèo quào” đã là cái tai nạn của tôi nhiều phen thế mà nay lại được việc. Tôi không hiểu vì lý do gì tay tôi lại run, có người nói tại tôi chỉ ăn một cái cẵng gà, nhưng tôi đã cố gắng ăn rất nhiều cặp chân gà vẫn “cẵng mất tật mang”. Tôi không biết tai nạn này khởi sự từ hồi nào, không biết tại ông giáo làng thường bắt tôi đặt ngay ngắn bốn ngón tay lên bàn để cho ông dùng cạnh thước kẻ đánh mỗi lần chấm chữ viết của tôi làm cho tay tôi run hay tại vì tay tôi run nên viết chữ xấu mà bị ông giáo đánh. Thôi thì con gà đẻ ra cái trứng hay cái trứng nở ra con gà không quan trọng. Lên lớp ba là tôi không còn bị đánh vào tay bằng thước nữa, chỉ bị cái mông sưng vù vì roi mây của ông giáo mới mà thôi. Cho đến khi biết “liếc gái”, nói theo kiểu người Huế thì cái nạn viết chữ như mèo quào lại đến với tôi. Số là hai ông bà già ở cạnh nhà tôi lâu nay cui cút chỉ có hai vợ chồng, bổng dưng hôm nay tôi thấy xuất hiện một nàng con gái tuổi mới mười lăm, mười sáu, “đẹp ghê lắm”, mái tóc thề óng mượt ôm ngang lưng, khuôn mặt tròn, hai má bầu bỉnh, đôi mắt to và đen trông vừa hiền vừa bướng, cái miệng thì bướng một trăm phần trăm nhất là những lúc nàng nói “không thèm” làm tôi phát thèm phải nhìn đi nơi khác, nhưng khi nàng cười thì cái miệng như một đóa hồng hàm tiếu. Lân la hỏi chuyện tôi mới biết nàng ở tận Mỷ Lợi lên học Đồng Khánh nên trọ nhà cậu mợ cho tiện. Tôi sợ người khác phỏng tay trên nên đốt giai đoạn, tôi viết thư. Tôi mượn sách của nàng, khi trả tôi kèm lá thư tình vào giữa. Đây là một chiến thuật cổ điển nhưng vào thời tôi thì còn “mô đen” lắm. Một tuần trôi qua, tôi tìm cách gặp và hỏi nàng có nhận được thơ tôi không ? Nàng cười cái cười rất dễ giận và hỏi lại tôi ?

– Nầy, ấy nhờ ai viết cái thư đó rứa ?

– Trời. Tôi viết chứ ai. Thư tôi mà.

– Thì ấy viết nhưng ai thảo ? Đừng gạt mình, chữ như mèo quào, chỉ có nước nhờ người ta thảo rồi chép lại chứ trình độ mô mà viết được thư hay như rứa. Mình biết ai là tác giả thực sự bức thư đó là mình . . . là mình . . ưng họ liền.

– Tôi nói thật, thư đó tôi viết.

-Tu es ignorant. Tiếng Tây đó dịch đi nghe coi. Tôi biết nàng chê tôi dốt nên nói một câu “thất lễ” như rứa. Tôi thấy cái ngu ngơ đáng yêu của nàng vì câu tiếng Tây này “bầy tôi” cũng dịch được.Tôi không dịch mà nói lại :

– Je t’aime à tout mon coeur (anh yêu em hết lòng). Nàng chưa tin nên còn hỏi nhiều cái nữa nhưng tôi không phải là Tản Đà mà than “hễ đến oral là bước khó”. Tuy tôi đã đi làm nhưng nàng phải học thêm mấy năm nữa cũng không làm khó tôi được. Đó là mối tình đầu và cũng là mối tình “chữ như mèo quào” của tôi. Sau này, nàng ghiền đọc thơ tôi, tôi hỏi lý do nàng nói, đọc ra chữ của anh có cái thú vị như nhà trinh thám lần theo dấu vết thủ phạm. Không biết nàng mỉa tôi hay nói thực. Chúng tôi có duyên mà không nợ, tôi phải đổi đi xa và mối tình của chúng tôi đành mai một. Mải đến khi mẹ tôi thấy tôi đã quá lứa rồi mà chưa có vợ nên hỏi cho tôi một cô vợ gần làng. Sau khi đám hỏi xong tôi trở lại Dalat làm việc. Tôi viết cho nàng rất nhiều thư. Được cái nào nàng trả lời cái đó, nhưng hình như có cái gì trục trặc, tôi hỏi nàng một vài việc; không bao giờ nàng trả lời câu hỏi của tôi. Thư nàng chỉ hỏi thăm sức khoẻ, nói chuyện nhớ mong mà thôi. Sau ngày cưới tôi giúp nàng sắp xếp hành lý, tôi thấy mười mấy cái thư của tôi chỉ được khui có hai cái đầu. Tôi giận tím mặt, thì ra nàng không bao giờ đọc thư tôi. Tôi hỏi mải nàng mới trả lời :

– Viết thư cho vợ mà như mèo quào. (lại mèo quào) Vô lẽ học hết trung học mà phải thuê người khác đọc thư tình ? Mai mốt anh đọc lại cho em nghe rồi em sẽ quen.

Lần này nhờ chữ xấu mà tôi qua mặt được con cháu “Bác”. Cũng nhờ chữ xấu, tôi khỏi phải làm gì dính đến chữ nghĩa trong khi những bạn tôi đứa phụ trách mục này, đứa phụ trách việc nọ. Tôi coi như người mù chữ. Nhân nói đến mù chữ, tôi xin thuật hiến độc giả một câu chuyện vui có thật. Người canh tác miếng rẫy cạnh tôi là một ông thầy giáo cũ. Quen thân lâu tôi mới biết ông có một tiểu sử rất ly kỳ. Trước năm 1945 vì thất tình nên ông bỏ học qua Lào sinh sống, tuy đã gần thi Tú tài Tây nhưng qua Lào ông chỉ buôn bán. Tham gia “Cách Mạng Việt Minh làm tới Trung đoàn Trưởng nhưng không vào Đảng. Bị nghi ngờ là Quốc Dân Đảng vì ông ta dấu không khai trình độ học vấn, bị bắt và trên đường dẩn đi thủ tiêu may nhờ tên dẩn đi là lính của ông ta nên hai thầy trò trốn thoát, tên kia về Hà Tỉnh, còn ông này không dám về quê ở Quảng Bình mà vào tận miền quê Quảng Ngãi xin làm “trai cày” cho một nhà địa chủ. Ông đổi tên họ, khai không biết chữ để tránh phiền phức. Thời gian sau, con gái chủ nhà “ghẹo ông ta” (lời của đương sự). Chuyện đổ bể, chủ nhà đành chấp nhận cho ông làm rễ và bế cháu ngoại. Đến giai đoạn Chống Nạn Mù Chữ, Việt Minh bắt ông ta đi học bình dân học vụ. Học mải vẫn đọc chữ này qua chữ khác, bị khiêng đi làm cho xấu mặt ông cũng thây kệ. Chị vợ thì hưởng ứng Cách Mạng làm cán bộ xã. Có lần một em bé đưa đến một mãnh giấy nhỏ của cán bộ, anh ta nghi vợ ngoại tình nên cố ý nhòm xem giấy nói gì. Chị vợ mắng : “Biết gì mà nhòm. Dốt đặc mà làm bộ. Này xem đi, người ta đưa giấy đi họp đó” Anh ta làm bộ cầm ngược giấy mà đọc làm chị vợ cười ngặt ngoẻo. Đó là giấy hẹn của bồ bà vợ ông ta. Nhưng anh ta vẫn tỉnh bơ. Đến năm 1954, Quảng Ngãi được Quốc gia tiếp thu theo hiệp định Genève, học sinh trong vùng đi thi lấy bằng “Tương đương” vì học theo chương trình Việt Minh. Chúng họp nhau lại giải toán, lý hóa. Ông tò mò nhòm vào lại làm cho tụi học sinh cười giểu cợt, nhưng ông giật lấy bài toán, giảng cho tụi nó một cách rành mạch làm chúng và những người có mặt ngẩn ngơ. Bấy giờ chị vợ mới biết là bị hố. Sau đó, ông ra Đà Nẵng lần lược thi lấy hai bằng tú tài và làm giáo viên. Và bây giờ lại trở về làm rẫy. Một chu kỳ 30 năm của một đời người.

Nghe chuyện của ông hàng xóm mới, tôi chạnh nghĩ đến thân phận mình, thân phận của một kẻ trốn tránh, một kẻ kiều ngụ trên chính quê hương mình. Người trốn Cộng Sản sợ nhất là gặp lại bạn củ, bà con và . . tiếng chó sủa. Thật vậy, đêm đêm tôi không có một giấc ngủ yên. Nghe tiếng chó sủa là phải nhỏm dậy nghe ngóng. Hạn chế tối đa đi lại. May thay, con người có một bản tính hay quen, thét rồi mệt mỏi, tôi đâm lỳ, nói theo kiểu thi sĩ Nguyễn Chí Thiện : “kệ cha Bác”. Tôi không sợ nữa.

Hai năm sau, khi ánh sáng cách mạng đã làm tá hỏa tam tinh mọi người thì xã tôi phải vào làm ăn tập thể. Bí thư xã tôi là một tên nhóc tỳ 27 tuổi, điếc không sợ súng nên cương quyết thi đua, tiên tiến. Thế là bao nhiêu ruộng rẩy bị tước đoạt rồi đi làm chấm công. Xã phổ biến : vào hợp tác xã được hưởng nhiều quyền lợi như được vay tiền, được chu cấp khi đau yếu. Có người hỏi vậy thì tôi không vào có được không ? Cán bộ trả lời : Con đường làm ăn tập thể là con đường độc nhất đưa đến ấm no hạnh phúc, sở dĩ những ai chưa vào là vì chưa thông suốt đường lối Cách Mạng, do đó cán bộ phải giải thích cho đến khi nào nông dân thông suốt mới thôi. Giải thích ngày không được thì giải thích đêm, bất cứ lúc nào cán bộ cần thì phải có mặt để nghe giải thích. Nghe như vậy ai cũng làm đơn gia nhập cho xong chuyện. Nhưng gia đình nào cũng chỉ cho bán lao động tức là con nít đi làm tập thể còn người lớn thì vào trong rừng, canh tác những miếng đất cách biệt nhau, như người Thượng, dân chúng gọi những mãnh rẫy rãi rác này là “đình chiến da beo”. Xã nhiều phen động viên, dọa nạt nhưng không kết quả. Vì hầu hết đều không tuân lệnh, kể cả gia đình du kích, cán bộ. Đến mùa bắp ai cũng thấy áo não. Những năm trước đến tháng 5 âm lịch la cờ bắp trắng xóa, rừng này qua rừng khác. Năm nay rừng cũng trắng xóa nhưng là màu trắng của bông tranh. Đồng bào giểu cợt gọi là cờ hàng của ông Bí Thư. Thất bại ê chề, bị cấp trên khiển trách nên tên Bí thư đổi qua làm khoán. Những đất củ được chia ra đồng đều rồi làm được hay không không cần biết, chỉ cần đóng đủ thuế. Từ đó, đồng bào tự do vào rừng tiếp tục canh tác những miếng đất canh lén cũ. Miếng rẫy tôi canh tác trong rừng tuy xa hơn những mảnh rẫy khác nhưng rất tốt, có suối để bắt cá, có cây rừng để đốt than, có tre để chẻ hom đan tranh, đan rổ, làm nhà, có đất cao để trồng hoa màu, lang, mì, khoai môn, có ruộng để trồng lúa. Thôi đành cam phận cho qua tháng ngày, dù sao cũng còn đường sống. Tuy vậy, mỗi khi chiều xuống, hai con trai tôi lên xe đạp về nhà cũng là lúc tôi cảm thấy cô đơn lạ, một mình ở lại chòi với một con chó, mấy con gà nhiều khi tôi không còn biết tôi là ai. Không phải Thượng, không phải Kinh. Sống một thế giới riêng biệt. Sau trận mưa đầu mùa trời tối đen như mực, đom đóm đầy trời, ếch nhái, côn trùng thi nhau lên tiếng, có con nằm ngay dưới sàn chòi, có con nằm ngay trên mái. Tất cả thi đua ca hát như chào mừng một mùa mới, một chu kỳ mới của chúng mà cũng nhạo báng cho thân phận của một kẻ bị lưu đày trên quê hương mình. Nhớ lại hai câu thơ của cụ Phan Bội Châu ngày xưa :

Đã khách không nhà trong bốn bể,
Lại người có tội với năm châu.

tôi thật buồn. Tôi không có tội với ai hết, chỉ có tội với loài dã nhơn, với Hồ ly tinh. Sẵn củi rừng, hằng đêm tôi vẫn đốt một đống lửa trước sân chòi để nấu ăn và sưởi ấm cho người và vật nhưng lòng tôi vẫn thấy lạnh, vẫn thấy quạnh hiu. Chạnh nhớ tới bạn bè ngày xưa chung vai, sát cánh nay không biết ai còn ai mất, ai tù đày, ai chạy thoát và ai đang trốn tránh như tôi, biết bao giờ gặp lại. Khi gặp lại có ai thay lòng đổi dạ ? Nhớ lại mấy câu thơ của Tú Xương thật đã diễn tả đúng tâm trạng của tôi trong lúc này :

Ta nhớ người xa cách núi sông,
Người xa xa có nhớ ta không ?
Sao đương vui vẻ ra buồn bả ?
Vừa mới quen nhau đã lạ lùng.
Khi nhớ, nhớ cùng trong mộng tưởng,
Khi riêng, riêng cả tấm tình chung ?
Tương tư lọ phải là trai gái,
Một ngọn đèn xanh trống điểm thùng.

Những bạn bè tôi ai thoát được thì chẳng nói gì, những người ra trình diện Cộng Sản nay ra sao ? Tù đày, chết chóc, đói khát, khổ sai, nhục nhã, bệnh tật, ai gục ngã, ai đứng vững ? Tôi rất ái ngại, tôi biết thế nào cũng có những người không đứng vững, nhưng tôi tin hầu hết bạn bè tôi đều vững vàng trong tư tưởng, lập trường. Tôi nghĩ việc gặp lại bạn bè chỉ có trong mơ hay bên kia thế giới. Nhưng không hiểu vì sao từ sâu thẵm trong trái tim tôi, tôi vẫn còn một chút hy vọng. Cụ Nguyễn Khuyến ngày xưa đã bảy mươi tư vẫn còn “Cũng muốn sống thêm dăm tuổi nữa, Thử xem trời mãi thế này ư” ? Nghĩ quanh nghĩ quẩn, tôi lại nghĩ rằng tuy mấy anh đi ở tù, nhưng ít ra tâm hồn cũng được bằng an, không lo âu, hồi hộp như mình. Sau này gặp lại tôi mới biết tôi lầm. Sự cay đắng khổ cực mà các bạn tôi đã trải qua thật ngoài sự dự liệu, tưởng tượng của tôi. Tôi không ngờ CSVN lại có tài đẻ ra những hình phạt, trừng trị quái đản và thâm độc như vậy. Thế mà có những người bạn của tôi đã chấp nhận tất cả kể cả mạng sống để cho CS biết thế nào là tự trọng, quật cường, thế nào là uy vũ bất năng khuất, thế nào là cái dũng của người quốc gia, những kẻ thừa hưởng một truyền thống Việt Nam bất khuất, một nền giáo dục chân chính. Mẹ Việt Nam hãnh diện có những đứa con đầu đội trời chân đạp đất hiên ngang như vậy. Tuy nhiên, những nỗi khổ sở của tôi cũng không phải không đoạn trường, nhục nhả. Lúc Cộng Sản mới về không có đêm nào là không họp, mết ting, không ai dám vắng mặt, trụ sở họp lại là một nhà máy cưa bị tịch biên, trống trải, mặc cho gió mưa đầu mùa tạt ngang tạt dọc. Các đại biểu phát biểu ý kiến là chỉ cốt cho biết mình cũng là thành phần quan trọng của cách mạng. Có người nói mà không biết mình nói gì, không biết mình nói gì mà lại sợ nói sai chính sách nên cứ : cách mạng thắng lợi, làm ăn tập thể. Trong số những nhà hùng biện này, đặc biệt có chị Bảy huyện. Trước kia chị đi buôn ve chai, VC lợi dụng nhờ mua đồ tiếp tế, liên lạc. Sau khi CS thành công chúng cho chị chức huyện ủy viên nhưng không phụ trách phần hành nào ở quận hay ở xa, vì chị ta mù chữ, được cái chị có da có thịt tươi mát, trắng trẻo không đến nổi tệ, tuổi sồn sồn mà đức ông chồng thì bệnh tật lại què một chân nên cán bộ cấp nào muốn chị “ủng hộ tí” đều được chị hồ hởi phấn khởi chấp nhận. Do đó mỗi khi phát biểu chị chỉ nhai đi nhai lại “thắng Mỷ rồi mà cứ nhà ai nấy ở, cơm ai nấy ăn, việc ai nấy làm thì có chi lạ ? Phải làm ăn tập thể mới lạ”. Một bữa kia, bỗng nhiên trong đám đông có tiếng : “Có chồng mà trung thành với chồng có chi lạ. Lấy trai mới lạ.” Bị chạm nọc, chị Bảy huyện xổ nho chùm, hiện nguyên hình một mụ ve chai. Ai cũng không nín được cười, bí thư cũng cười. Sau cùng, bí thư giải tán buổi họp và hứa sẽ điều tra kẻ phá hoại. Nhưng hình như cuộc điều tra không bao giờ bắt đầu và cũng từ đó chị Bảy huyện không còn phát biểu nữa. Cái khổ nữa là phải nghe những danh từ như “ngụy quân, ngụy quyền”,”Tổ quốc Xã Hội Chủ Nghĩa”, “nếp sống mới”, “văn hóa cách mạng”, ‘lính thủy đánh bộ’, nắm” ‘đảm bảo” v. v. . . Người miền Nam diểu cợt những cái quê mùa, ngớ ngẩn của cán bộ CS miền Bắc, nhiều khi họ lặp lại những cái ngớ ngẩn, ngu ngơ của CS như cà phê cái nồi ngồi trên cái cốc, lọc cà phê mua một tặng một (nịt ngực của phụ nữ), rộng cá trong bồn cầu, TV chạy đầy đường v. v. . . nghe qua thì tức cười, nhưng cười ra nước mắt. Anh em Việt Nam một nhà mà nay cách biệt từ cách sống, ngôn ngữ, lối suy nghĩ, tất cả đều thụt lùi, thụt lùi từ cái xe hơi vẫn gọi ô tô, ô tô con. Phải chăng “Hai Mươi lăm năm xây dựng XHCN Việt Nam” là thành quả này sao ?. Thành quả của Hồ Chí Minh bao năm cương quyết hoàn thành sứ mạng của Đệ Tam Quốc Tế.

Sau khi làm ăn tập thể thất bại, việc họp hành cũng lơ là. Đây là năm thứ ba của thời kỳ “Xuống hàng chó ngựa”. Cứ hai tuần tôi được bà xã cho phép về nhà một lần để đi lể Chủ Nhật, lấy đồ tiếp tế và cũng để biết mình còn liên lạc với thế giới loài người. Hôm đó, tôi vừa về tới nhà thì anh bạn hàng xóm qua. Anh thường báo cho tôi biết những tin tức BBC và VOA. uống trà và . . .nói dốc cho vơi tâm sự. Vừa qua một tuần trà thì. . . hai du kích ập vào, một tên mang súng “ép tai:” (M16) một tên mang carbine chiếu thẳng đèn pin vào mặt tôi hỏi :

Chú có phải tên . . .

Phải, có việc gì không ?

Cầm bằng mình bị lộ, bị bắt trăm phần trăm tôi muốn thoát chạy nhưng lưng dựa vào vách ván, mặt cấn chiếc bàn, bên phải là cửa sổ có song, bên trái du kích chỉ có cánh mới bay ra được. Tên du kích trả lời :

Chú có giấy mời, vừa nói y vừa rút ra một mảnh giấy mỏng. Tôi nói :

Đọc giùm nghe coi. Tôi không có kiếng.

Dạ, giấy mời chú đi tất niên xã.

Tôi có làm gì đâu mà được . . .

Dạ chú được bầu làm Ban Hòa giải khóm.

Hú hồn, chút xíu nữa là “lạy ông con ở bụi này”. Không biết những vị được mời đi ăn cháo lạp bá ra sao chứ tôi được CS mời đi ăn tất niên phải giảm thọ mấy năm. Hai tên du kích ra khỏi nhà rồi mà tôi cứ sợ người bạn ngồi bên cạnh nghe tiếng trống ngực tôi đập trong khi ông ta giải thích :

– Thứ năm vừa rồi Khóm họp để bầu một người làm hòa giải những bất hòa, gây gổ gia đình trong khóm. Không ai nhận nên sau cùng anh Tín nói anh có tội không đi họp thì bắt anh làm. Chỉ việc khuyên bảo những gia đình lộn xộn thôi. Vừa lúc ông Khóm trưởng cũng đến chơi, ông ta giải thích thêm :

– Tám khóm thuộc ấp mình, khóm nào cũng phải có thêm một người phụ trách hòa giải. Ai biểu anh vắng thì bị thiệt thòi. Nhưng không bầu anh thì không biết bầu ai vì khóm chỉ có mười gia đình mà khóm trưởng, khóm phó, y tế, văn hóa thông tin, an ninh, giáo dục hết sáu rồi, chỉ còn bốn gia đình mà hai gia đình kia đàn bà góa. Tôi nói đùa:

– Ông Khóm trưởng loan báo giùm bà con, ai có xích mích nhau hãy ráng đợi hai tuần một lần tôi về rồi gây sự đánh nhau chứ lúc khác tôi ở rẫy không thi hành nhiệm vụ được.

Năm đó xã ăn tất niên rất lớn, một con heo quay lớn, mấy chục con gà, bánh ướt, bánh bèo, bánh hỏi, thịt nướng v. v. . . Sống ba năm với Cách Mạng, với “Sự nghiệp vĩ đại của Bác Hồ sống mải trong quần . . . chúng ta”, ăn cơm gạo Ba lan (một phần gạo độn 3 phần lang, chứ Ba Lan đâu có gạo mà nhập) mà nghe mình cũng được dự một bữa tiệc như rứa thiệt hết ý.

Nhưng như một định luật bất di bất dịch, Cộng Sản bắt lầm giết lầm còn hơn bỏ sót huống chi mời người ăn cổ khơi khơi. Giấy mời ba giờ chiều. Ai cũng nghĩ rằng có giờ cao su cách nào thì cũng nhập tiệc 4 giờ hoặc bốn rưỡi. Sau đó đi lễ Chủ Nhật Tất niên 6 giờ, vì hầu hết dân xã này đạo Công Giáo. Không ngờ dụng ý của tên Bí thư là giữ người lại không cho đi lễ. Hắn cứ phát biểu việc này qua việc nọ, mùi thức ăn ở nhà sau cứ xông lên ngào ngạt làm khổ cái dạ dày đói meo của chúng tôi, đây cũng là dụng ý của hắn, hết thành quả của nông nghiệp rồi thương nghiệp, thi đua đạt chỉ tiêu v. .v . . . khi hắn mỏi miệng thì chỉ người khác tiếp, hết chuyện thì chờ một vài cán bộ trên Huyện xuống tham gia, mải gần 6 giờ rồi mà hắn chưa khai mạc dù Huyện xuống đã đầy đủ, dù hắn và các tên khác đã hết đề tài. Chúng tôi đành phải từ giã ra về. Hắn thuyết phục : “Tuần nào cũng đi lễ, nghỉ một tuần Chúa đâu có ác đến nỗi phạt, vì một năm mới có một bữa tiệc tất niên.” Sau cùng hắn giận dữ cho là khinh dễ hắn nhưng hầu hết chúng tôi đành phải rút lui. Sau đó hắn nói đã ân hận không thèm mời vị linh mục, vì hắn tưởng rằng để ông linh mục làm lễ một mình. Cái tệ hơn nữa là những người ở lại chỉ được ăn bún nước mắm vì bao nhiêu thịt thà đều được chia phần cho cán bộ và gởi cho “các anh ở trên”.

Để nhớ Tết 1978.

Kiêm Ái