web analytics
TRUYỆN NGẮN

Một Phim Tình Cảm Có Lời Thuyết Minh

Tôi đến “se” phòng với người đàn ông đã ba tháng, tôi chỉ gặp mặt anh ta có ba lần vào những ngày đầu tháng để đưa tiền trả tiền mướn nhà.

Ngoài ra trong những ngày khác tôi không bao giờ gặp anh ta. Có thể vì giờ giấc làm việc của chúng tôi khác nhau. Mà hình như cũng không phải là như vậy mà vì anh ta làm việc quá nhiều. Hình như anh ta làm đến hai “dốp” thì phải.

Thế nên sáng Chủ Nhật hôm nay, tôi rất ngạc nhiên khi tôi đang đùa giỡn với đứa con ở sân cỏ sau nhà, anh ta ra sân vui vẻ mời tôi:

“Mời anh vô mình lai rai chơi.”

Dưới bàn là một va-li bia Budweiser hai mươi bốn lon, trên bàn là dĩa sườn bò nướng tổ chảng kiểu Mễ Tây Cơ. Anh ta lấy dao, nỉa cắt ra từng miếng, cúi xuống lấy lon bia đưa cho tôi:

“Thôi mời anh, ở chung nhau cả ba, bốn tháng nay mà hổng có dịp lai rai.” Thằng con tôi đang chạy giỡn ngoài sân, nói vọng vào:
“Chiều nay ba cho con đi chơi “gêm,” nghe ba.”

Tôi để lon bia xuống bàn, nói:

“Thôi, để tuần tới đi con, bữa nay ba mắc nhậu với chú rồi chiều đâu có đưa con đi được, ông cảnh sát ổng nghe mùi bia ổng cho ba cái “tíc-kịt” phiền lắm.”

Người đàn ông nói:

“Hay mình làm sương sương, để chút chiều anh đưa cháu đi chơi cho nó vui.”

Tôi dứt khoát:

“Đã uống thì uống cho nó đã. Nó không đi chơi tuần này thì đi tuần khác. Nó là con của mình chớ nó đâu có phải là cha của mình.”

Người đàn ông cười:

“Anh nói vậy chớ qua bên nầy nó khác hết trơn. Anh hổng nghe người ta nói nhứt đàn bà, nhì con nít, thứ ba mèo chó gì đó… và đàn ông mình thì ở chót bẹt hết hay sao.”

Tôi uống cạn lon bia, để xuống bàn:

“Ỏ đâu cũng vậy, tại mình không dạy dỗ nó ngay từ ban đầu. Anh biết hồi còn ở bên Phi Luật Tân, lúc thằng con tôi đi học mẫu giáo về nói nói: “Ba ơi, bà teacher nói ở bên Mỹ không được đánh con nít.” Tôi cười không nói gì cả. Lúc mới định cư, vì đi theo diện free case nên cha con tôi được Hội Thánh Tin Lành ở thành phố Des Moines, tiểu bang Iowa bảo trợ. Một hôm dẫn thằng con đi ngoài phố, tôi thấy một anh Mỹ đang rút đang rút sợi dây nịt ở lưng ra, quất cho thằng con mấy phát vào đít. Tôi gọi thằng con chỉ cho nó thấy, thằng nhỏ xanh mặt, hỏi tôi: Bộ ở Mỹ cũng đánh con nít nữa, sao ba? Tôi nói với nó: Người ta chỉ không đánh nếu con nít ngoan. Từ đó cu cậu làm cái gì sai, tôi cắt nghĩa và hăm nếu tái phạm tôi sẽ rút dây nịt, cu cậu cũng ớn lắm.”

Người đàn ông uống cạn lon bia, bóp dẹp cái lon, cúi xuống lấy lên hai lon bia khác để trên bàn:

“Thấy thằng con anh tui nhớ thằng con tui quá. Nó đâu cũng lớn hơn thằng con anh một, hai tuổi gì đó. Lúc tui đi vợ tui còn ẵm ngửa nó ở trên tay.”

Anh ta thở dài:

“Cũng cả chục năm rồi chớ có ít ỏi gì đâu.” Chợt anh ta nói với giọng vui vẻ:
“Mấy tháng nữa vợ con tui qua rồi.”

Tôi đưa lon bia cụng cái cạch với anh ta: “Mừng anh!”
Anh ta đưa lon bia lên uống một hơi dài, để lon bia xuống, đề nghị: “Hay mình lên phòng khách vừa uống vừa coi phim.”
Tôi từ chối:

“Tôi hổng ưa ba cái phim bộ Hồng Kông, coi mất thì giờ quá, mà nó lại đầu độc con nít nữa. Mấy cái thằng chuyển âm nó cứ cái kiểu con cái trả lời ngang tàng với cha mẹ “cám ơn nghe, cám ơn nghe” nghe mất dạy thấy mẹ.”

Người đàn ông gục gặc cái đầu, nói:

“Tui khác anh. Hồi mới qua tui mê phim bộ hết biết. Tui khoái cái thằng Quách Tĩnh dễ sợ. Lưu Gia Linh, Tần Hán, Lâm Thanh Hà, Lương Triều Vỹ, Cổ Thiên Lạc, Lý Nhược Đồng gì tui cũng rành sáu câu. Đứa nào bồ bịch với đứa nào tui cũng biết… Sau phải đi cày hai “dốp” nên cũng hổng có thời giờ mà coi. Có điều bữa nay tui mời anh coi một cuốn phim quây ở Việt Nam.”

Tôi ngạc nhiên nhìn anh ta: “Phim Việt Nam?”
Người đàn ông nói:

“Hổng phải ba cái phim số đen, số đỏ gì của Việt Cộng đâu. Phim này là tui mướn mấy người về Việt Nam quây gia đình vợ tui hôm Tết.”

Tôi chiều ý anh ta, tay lon bia, tay dĩa thịt theo anh ta lên phòng khách. Người đàn ông để cái băng vi-đê-ô-tép vào máy, bấm nút. Màn ảnh truyền hình nổi lên đen, trắng kêu rè rè. Anh ta lại bấm “rì-quay,” nói:

“Quên chưa rì-quay.”

Người đàn ông loay hoay một hồi. Trên màn ảnh truyền hình hiện lên một giòng sông. Hai bên bờ là những hàng cây ăn trái dừa, xoài, mận xanh ngắt một màu. Trên sông có chiếc thuyền con đang lướt nhanh, người dàn bà áo bà ba đen, đầu quấn khăn rằn chèo mũi, người đàn ông áo màu cứt ngựa chèo lái. Có tiếng đàn sến, đàn bầu, đàn kìm… thân quen đã lâu không được nghe, trỗi lên.

Người đàn ông nói:

“Anh biết ở đâu hôn. Sông Cổ Chiên của mình đó.”

Trời nước mênh mông, bát ngát. Trên màn ảnh hiện ra căn nhà gạch hai tầng, khi cảnh sông nước và chiếc thuyền con biến mất. Căn nhà hình như mới cất vì nước vôi còn tươi rói. Trên tường có hàng chữ sơn đỏ, viết kiểu cách: “Kính chào Quý Khách.” Kế phía dưới có những hàng chữ có lẽ được viết bằng phấn màu: “Giá biểu: Cà phê đen: 500 đồng. Cà phê đá: 600 đồng. Cà phê sữa đá: 800 đồng. Đá chanh: 550 đồng. Sữa hồng: 700 đồng.”

Người đàn ông giải thích:

“Cái nhà con vợ tui nó mới cất cho bà già. Ở nhà bán quán cà phê.”

Trong truyền hình vang lên những tiếng động ồn ào. Một đám con nít, người lớn chen lấn, cười nói, chỉ chỏ. Những khuôn mặt nhếch nhác, xanh xao. Người đàn ông nói:

“Hàng xóm người ta thấy có người ở bên nầy về quây phim họ tới họ coi đó.”

Có tiếng nói vang lên:

“Bác chuẩn bị nói để cháu quay phim.”

Vừa lúc đó trên màn ảnh hiện ra một bà già đứng trong căn nhà bếp. Phía sau lưng, qua những chấn song, bên ngoài là sóng nước đục ngầu phù sa. Bà già gỡ cục thuốc xỉa quăng xuống sông, lấy cái ca nhựa múc nước trong lu, xúc miệng rồi nhổ phẹt ra phía ngoài, lấy tay áo bà ba lau miệng rồi đi lên nhà trên. Bà ngồi chèm bẹp xuống chiếc chiếu bông đã trải sẵn, hắng giọng, nói:

“Má gởi lời thăm con, nghe thằng năm. Con bên Mỹ có mướn phái đàn dìa quay phinh nhà mình, má biết ơn con lắm. Tiền bạc con gởi dìa, vợ con nó

phụ giúp má cất cái nhà để có chỗ che nắng, che mưa, thờ cúng ông bà, tiên tổ…”

Bà già ngừng lại một chút lấy hơi, nói tiếp với giọng xúc động:

“Bữa hổm vợ con có nói chiện dây thép con có nói con có gởi đồ cho ai đem dìa dùm mà hổng thấy. Con bắt liên lạc lại với người ta coi ra sao, chớ hổng thôi mình lại mất của. Lóng rày má cũng bịnh rề rề. Con gởi cho má chừng năm chỉ, má uống thuốc cho thiệt hết bịnh, má biết ơn con lắm.”

Bà già hít hít mũi, đưa tay vén tóc, chiếc vòng cẩm thạch tuột xuống trên cổ tay da nhăn nheo.

Trên màn ảnh hiện ra một người đàn ông khoảng trên năm mươi, mặt xương, hai gò má nhô lên, râu ria tua tủa. Người đàn ông cười, nhe hàm răng ám khói thuốc:

“Tao có lời thăm dượng năm mày. Ở bên nây lâu lâu cũng nhậu lai rai ba sợi. Mỗi lần nhậu thì chỉ còn biết nhớ nhau thôi, chớ tao có cái cách nào mà gặp được dượng năm mày ở tuốt bên Mỹ biệt mù san dã cho được. Nhờ dượng năm mày gởi tiền dìa giúp nhà mình cũng đỡ ngặt nghèo. Con Liễu vợ mày với thằng Tòng thì đã gặp phái đàn rồi. Chắc sắp tới mẹ con nó sẽ đi đàn tụ với dượng năm mày. Dượng năm mày nhớ gởi tiền mua giấy phi công cho nó. Thôi tao có bấy nhiêu lời.”

Người đàn ông quay qua tôi, nói:

“Ông anh vợ thứ hai. Dốt đặc cán cuốc mà bày đặt nói chữ. Mồ tổ tui cũng hổng mua được giấy phi công.”

Người đàn ông trên màn ảnh nhìn ngang, đưa tay ngoắc ngoắc. Một đứa con gái hớt tóc bom bê khoảng chừng năm, sáu tuổi chạy ra. Người đàn ông nói:

“Con nói chiện với dượng năm đi con.”

Đứa con gái khoanh tay, nói theo lời nhắc của một người đàn bà không thấy mặt trên màn ảnh:

“Thưa dượng năm, bà nội với ba má con nhờ dượng năm giúp đỡ. Bà nội với lại ba má con biết ơn dượng năm nhiều lắm. Con xin cám ơn dượng năm trước. Dượng năm nhớ gởi đồ chơi nhiều nhiều về cho con.”

Đứa bé cúi đầu, chạy lẹ về phía người đàn bà vừa hiện hình trên màn ảnh. Người đàn bà ôm đứa bé, cười bày ra nguyên hàm răng giả:

“Chị chúc dượng năm mạnh phẻ. Nếu được dượng năm giúp cho anh chị ít vốn làm ăn. Anh chị biết ơn dượng năm lắm. Thôi chị hai chỉ có bấy nhiêu lời đó thôi.”

Người đàn ông lấy hai lon bia khác để lên bàn, thở dài:

“Anh có thấy bứt ruột, bứt gan chưa. Hở ra là tiền, hở ra là tiền. Cả chục năm qua đây tui có nghỉ ngơi ngày nào đâu. Chưa hết đâu. Còn nữa…”

Trên màn ảnh hiện ra một gương mặt dài, kẻ lông mày, môi son, má phấn, hai tai đeo hai khoen toòng teng vàng, áo pull, quần jeans, tay đeo đồng hồ hiệu Rado. Người đàn ông nói lớn:

“Bà xã tui. Bả nói ít lắm. Có con em vợ tui nó mới nói nhiều.” Người đàn bà nhoẻn miệng cười, chớp chớp mắt:
“Anh năm, mẹ con em đã gặp phái đàn. Chắc vài tháng nữa là mẹ con em đi đàn tụ với anh. Hôm trước anh điện thại cho em nói có gởi người ta đem quà dìa Việt Nam cho em mà hổng có ai đưa tới nhà hết. Anh gặp lại người ta coi, chớ để mất của, uổng lắm.”

Người đà bà đưa tay ngoắc ngoắc, nói: “Tòng, con ra nói chiện với ba đi con.”
Đứa con trai khoảng mười một, mười hai tuổi, tóc để dài, có vẻ hơi khớp, khoanh hai tay, cúi đầu, giọng nói run run:

“Con thưa ba, năm nay con học lớp năm. Má nói với con vài bữa đi đoàn tụ với ba. Ba nhớ gởi tiền về bà ngoại uống thuốc. Ba đừng có nghe người ta đặt điều mà buồn má. Tiền ba gởi về má trút vô cất nhà cho bà ngoại chớ má đâu có ăn xài lãng phí. Ba nhớ gởi tiền mua giấy máy bay cho má với con, nghe ba.”

Đột nhiên màn ảnh sống động hẳn lên với điệu nhạc ầm ĩ. Trên màn ảnh một ca sĩ mặt bự phấn son, mặc jupe ngắn củn cởn, chân mang vớ lưới đen, vừa lắc thân mình vừa hát một bài hát Tây phương lời Việt:

“Giờ chia tay đã đến đây rồi. Đường biên cương giờ quá xa xôi. Người yêu ơi! Đừng quên tôi nhé!…”

Người đàn ông nói:

“Ở Việt Nam lóng rày chịu chơi lắm.”

Màn ảnh truyền hình lại hiện ra một cảnh khác. Chiếc bàn thờ bằng gỗ với lư hương khói nhang nghi ngút. Người đàn ông giải thích:

“Dời lên trên lầu rồi. Ở dưới nhà con nít hàng xóm nó ồn ào quá. Anh coi nè: con em vợ tui nó nói.”

Trên màn ảnh hiện ra một khuôn mặt đàn bà khoảng hai mươi lăm tuổi, khuôn mặt hao hao với vợ của người đàn ông. Người đàn bà cười má lún đồng tiền, chớp chớp mắt:

“Anh năm, hôm nay em có đôi lời gởi thăm anh năm. Chúc anh năm được nhiều sức khoẻ. Riêng phần gia đình mình nhờ anh năm giúp đỡ cũng không đến đỗi nào. Má thì cứ bịnh rề rề. Anh gởi tiền cho má uống thuốc ở nhà biết ơn anh năm lắm. Riêng em bây giờ là công nhân viên nhà nước nhưng đời sống cũng có phần nào khó khăn. Phải nuôi bốn đứa con, em mệt muốn ứ hơi luôn. Hổng có má, có anh năm giúp đỡ em cũng không biết phải xoay sở cách nào. Em mang ơn anh năm lắm. Sắp tới chị năm với cháu Tòng đi đoàn tụ với anh năm, em cũng mừng. Có chỉ qua lo cơm nước, quần áo cho anh năm đỡ vất vả. Thôi nhơn dịp Xuân về, em chúc anh năm năm mới phát tài và đoàn tụ.”

Người đàn ông khều tay tôi:

“Anh thấy con em vợ tui nó nói chiện chiến hôn. Tội nghiệp thằng chồng nó chết rồi. Lấy chồng năm năm, đẻ bốn đứa con.Thiệt là đẻ như gà. Trong nhà tui là thương nó nhứt. Môi miếng lắm. Hồi đó lớn sộn rồi chớ, cứ nhỏng nhẻo với tui. Cứ nhảy vô lòng ngồi trum trủm.”

Tôi cười, đùa:

“Có đánh hoa cả cụm hôn đó, cha nội?” Người đàn ông cười toe toét:
“Hổng có đâu anh. Lúc tui còn ở Việt Nam nó còn nhỏ híu. Ngực mới vun vú cau. Với lại một mình bà xã tui, tui còn chịu đời hổng thấu.”

Anh ta cười khoái trá, uống một hơi cạn lon bia, thò tay lấy hai lon bia khác.Trên màn ảnh lúc này hiện ra khuôn mặt của một thanh niên khoảng

mười chín, hai mươi, ốm nhom, ốm nhách. Khi anh ta cười, hàm trên không còn cái răng nào. Người đàn ông nói:

“Thằng em út của bà xã. Xin tiền cưới vợ.”

Trên màn ảnh, người thanh niên tằng hắng, giọng nói hơi run:

“A… anh năm, em gởi lời thăm anh năm mạnh phẻ. Má nói là em lớn rồi má tính đi hỏi vợ cho em để em lo mần ăn. Anh năm cũng biết là má cứ bịnh rề rề hoài, má cũng muốn em yên bề vợ con. Nhờ anh năm giúp em chút đỉnh…”

Người thanh niên cúi mặt xuống, cười tỏn tẻn, ngập ngừng một lúc, nói tiếp:

“… Nhờ anh năm giúp em chút đỉnh em đi trồng răng đặng má dẫn em đi coi mắt vợ. Em biết ơn anh năm lắm. Thôi em có đôi lời thăm anh năm.”

Người đàn ông bật cười ha hả:

“Cái thằng mắc dịch. Nhậu miết ba cái rượu bọt mía rụng răng hết trơn. Thằng con cũng còn hên là không bị vướng cựa cái vụ Kăm-pu-chia. Thằng anh kế nó gởi bên Kam-pong-Chàm cái giò. Nó dìa trễ. Chút nữa có nó ca sáu câu nữa. Thằng đó nó bạt mạng lắm. Bây giờ nó tòng tam, tụ ngũ với cái đám đui què sứt mẽ của nó ở bên Miên dìa đi chạy hàng lậu. Đi lậu thuốc Lạng Sơn từ thành phố Hồ Chí Minh dìa dưới này để quấn Capstan dỏm, đưa ba cái vải, bột ngọt, bột giặt ở dưới này lên. Qua trạm gặp công an, thuế vụ thì cứ “lựu đạn cưa đôi.” Rồi tối thì đứng động chứa em út. Nghe mấy người quen với tui dìa Việt Nam nói cái đám này nó còn đón cái đám Việt kiều về nước thăm nhà để làm tiền. Cứ thí mạng cùi lựu đạn cưa đôi thì có thằng nào mà hổng sợ. Còn hơn trào trước chơi bài cào, người ta ba tây nó cũng gom tiền rồi nói: “Ba tây thua ba biệt động quân,” vừa nói vừa rút chốt lựu đản để xuống giữa sòng bài. Thôi thì đành mất tiền hơn là mất mạng. Cái đám tàn phế binh bây giờ nó còn lộng hơn cái đám thương phế binh trào trước nhiều. Chánh phủ cũng có biết nhưng cũng phải tình vờ luôn, tại vì tụi nó đói quá hoá liều. Mà chánh phủ hổng giải quyết được. Cái đám bộ đội mạnh cùi cụi còn đói lên, đói xuống, thì nói gì tới cái đám tàn phế binh.”

Trên màn ảnh truyền hình hiện ra cảnh cũ. Bàn thờ với khói hương nghi ngút. Lần này có thêm dĩa trái cây có chưng đủ thứ gồm chuối, xoài, mãng cầu, đu đủ, táo đỏ và nho xanh. Táo và nho được để phía trước với vẻ phô trương. Người đàn ông nói:

“Anh biết ở bển bây giờ đâu có thiếu cái giống gì. Có tiền là cái gì cũng có. Nghe nói còn có “bia nhộng” tức là có em ở truồng chăm phần chăm ngồi trên đùi uống bia với mình.”

Bà già đã thay cái áo màu ve chai, ngồi xuống chiếc ghế dựa, hắng giọng:

“Năm à, mấy đứa nhỏ nó bày đặt văn nghệ, văn gừng để nó quây phinh gởi qua Mỹ cho con nghe cho nó đỡ nhớ nhà. Má nhỏ lớn có ăn học gì đâu mà biết hát với hò. Thôi thì má bắt chước ba con lúc ổng còn sống mà khai mạc cuộc tiệc như vầy:

“Hò hơ… hổng con cua thì cũng con cò. Tới đây hổng hát thì cũng hò… thì cũng hò cho nó dui…”

Những tiếng vỗ tay nổi lên. Trước khi đứng lên bà già còn đưa năm ngón tay lên, nói:

“Con nhớ gởi tiền dìa cho má uống thuốc, nghe năm. Má cần năm chỉ là đủ rồi.”

Người đàn ông khui lon bia nghe một cái rắc, lắc đầu:

“Thiệt đúng là bà già giết giặc. Vui xuân không quên… tiền bạc!”

Vợ và đứa con của người đàn ông hiện ra trên màn ảnh. Người đàn bà cười cái cười có vẻ không được tự nhiên. Đứa con cũng vẫn còn có vẻ khớp. Người đàn bà đưa tay vuốt vuốt tóc:

“Anh năm à, mấy em nó đề nghị văn nghệ quay phinh để gởi qua Mỹ cho anh năm. Anh năm biết là nhỏ lớn tới giờ em đâu có biết hát hò gì. Thôi thì em dựa hơi thằng con của mình, ca chung một bài gởi qua anh để anh nghe lời ca của em và thằng con nơi xứ lạ quê người.”

Một người nào đó bắt nhịp, hai mẹ con bắt đầu ca:

“Hai con thằn lằn con gặp nhau cắn đứt đuôi. Cha thằn lằn buồn hiu kệ chúng, chúng cắn cho. Đuôi thì to nay đã cụt rồi. Thằn lằn con khóc la tơi bời…” Bài hát được hát hai lần. Trong khi hát thằng con ra điệu bộ rất là dễ thương. Người đàn ông cười híp mắt lúc thằng con nói “bái bai, ba” theo lời nhắc của người mẹ:

“Con nói tiếng Mỹ với ba đi con.”

Người đàn ông bỗng ngồi thẳng người lên, giọng nói hăm hở:

“Giờ tới hai danh ca cụt giò và hăng rết. Hai thằng này nó ca cũng mùi lắm.”

Người anh thứ hai đem ra thâm một cái ghế. Người em trai út ngồi xuống ghế, ôm đàn so dây, bàn chân phải anh ta để trên chiếc song lan. Một người đàn ông cụt một chân tới đầu gối, gương mặt có vẻ bụi đời, bậm trợn, chống nạng đi ra. Anh ta mặc chiếc áo nhà binh đã cũ. Người anh thứ hai ra lấy chiếc nạng gỗ đem vô trong. Người mặc áo nhà binh ngồi xuống ghế hút một hơi thuốc, nhả khói mù mịt, dụi tàn vào chiếc gạt tàn để ở bàn kế bên, nói:

“Em gởi lời thăm anh năm mạnh giỏi. Má có nhắn em dìa để văn nghệ quay phinh gởi qua cho anh năm nhưng mà em dìa có hơi trễ dì là phải còn đi giao hàng cho người ta. Em xin lỗi anh năm cái chiện trễ nãi này. Đi làm ăn với mấy thằng bạn thì nói nào ngay cũng kiếm sống qua ngày. Biết ơn anh năm nhiều dìa cái chiện đã giúp đỡ gia đình. Nghe má bịnh em cũng rầu lắm mà đâu có cách gì mà giúp má. Thân em, em còn lo chưa xong. Thôi thì trăm sự cũng nhờ anh, nghe anh năm. Nhơn dịp Xưn dìa, em xin ca một bài tặng anh năm nơi xứ lạ quê người.”

Thằng em út dạo đàn, người tàn phế binh hắng giọng, bắt đầu ca:

“(Chớ) canh một anh đốt ngọn đèn tàn. Chờ người bạn cũ thở than đôi lời. Canh hai nguyệt đổi, sao dời. Tính sao (mà) nàng tính trọn lời thỉ chung. (Chớ) canh ba cờ phất, trống rung. Mặc ai, ai thẳng, ai dùn mặc ai… Canh tư hạc đậu nhành mai. Sương sa lác đác biết đâu mà tầm. (Chớ) canh năm nằm dựa phòng loon. Mõi mòn chờ đợi người bạn chung tình của anh… Em ơi! Bởi nhớ thương em anh mới đau tương tư nằm trên bộ vạc. Còn hồn anh thì thất lạc xuống dưới Diêm đình. Ông Diêm Vương ổng mới phán quở rằng anh lị dì tình mà phải thác oan. Một mai anh có chết thì em đừng có đến để tang. Bởi dì em mà thiên hạ họ lựn bàn. Họ cho anh đây là trai thanh niên bảy thước mà phải thác oan dì tình. Ngày nay anh nghĩ lại anh mới giựt mình. Bởi vậy cho nên mới có câu:“Tu là cội phước, (còn) tình là dây oan…”

Tiếng song lan nhịp cái cốc chấm dứt bài hát cùng với những tiếng vỗ tay vang lên. Người tàn phế binh đưa tay lấy chiếc nạng do một người nào đó từ phía trong đưa ra, đứng dậy, chống vào nách, đi vô. Cái ống quần bên cái chân cụt hất tới, hất lui theo từng bước đi của anh ta. Thằng em út cười cái miệng móm sọm:

“Giờ tới em ca tặng anh năm bản vọng cổ “Trái khổ qua.”

Anh ta dạo đàn. Tiếng đàn vọng cổ thật ngọt. Và anh ta lim dim mắt, cất giọng ca:

“Nhà của anh với nhà của em ở cùng một xóm. Nhà của em có trồng đám khổ qua. Bông khổ qua nhị vàng, bông trắng. Trái khổ qua tuy đắng nhưng đượm thắm hương… tình.”

Tiếng song lan nhịp cái cốc xen lẫn trong tiếng vỗ tay khi người thanh niên xuống xề. Người thanh niên ca tiếp:

“Mẹ của anh thường khen em thì mị, diệu hiền…”

Người thanh niên vẫn miệng hát, tay đàn nhưng không nghe lời hát, tiếng đàn. Người đàn ông chắt chắt lưỡi:

“Bị mất tiếng khúc nầy uổng ghê nơi đi.”

Tôi và người đàn ông vừa uống bia vừa tiếp tục coi đoạn phim câm. Tay người thanh niên lướt nhanh trên những sợi dây đàn, mắt lim dim, cục cổ chạy lên, chạy xuống lúc anh ta lên giọng, xuống giọng. Cuối cùng, tiếng đàn, giọng hát lại vang lên:

“… Sang năm anh rước em dề, vui câu lan phượng đẹp bề thất gia…”

Tiếng vỗ tay vang lên trong khi người thanh niên cười, cái miệng móm sọm.

Người thế chỗ của người em út bây giờ là người đàn bà chết chồng có bốn đứa con. Người đàn bà ngồi xuống ghế, mỉm cười má lún đồng tiền, cặp mắt mơ màng, giọng nói tự nhiên:

“Anh năm à. Em gái của anh tính ca cho anh nghe bài “Con kinh xanh”: “Con kinh ta đào chưa có nước chảy qua. Chỉ có nắng mùa hè nóng bỏng thịt da…”nhưng mà em chắc anh năm hổng có thích vì hồi còn ở Việt Nam, anh năm ác cảm với ba cái vụ thủy lợi. Nên chi em gái của anh sẽ hò cho anh năm nghe. Rủi mà có dở đừng chê, à anh năm.”

Người đàn ông cười khẹt khẹt, nói:

“Anh thương em hổng hết chớ ở đó mà ngạo với chê. Anh mà chê em thì thằng chồng của em nó ngỏm củ tỉ đi.”

Trên màn ảnh, người đàn kéo mái tóc để về một bên vai, cất giọng hò:

“Hò ơ… ghe bầu trở lái dìa Đông. Con gái theo chồng bỏ mẹ ai nuôi? Mẹ tui còn có người nuôi. Tui theo chú lái tui ờ… tui xuôi một bề. Dầu mà chú lái có chê ờ… Tui theo chú mũi ờ… tui dìa Đồng Nai. Đồng Nai gạo trắng như cò. Bỏ cha, bỏ mẹ xuống đó ờ… theo anh…”

Tiếng vỗ tay lốp bốp nổi lên. Người đàn ông tắt truyền hình, lấy tiếp hai lon bia để lên bàn:

“Anh biết, lúc nhận được cuộn video từ Việt Nam đem qua, đêm nào tui cũng thức suốt đêm coi đi, coi lại. Nhớ vợ, nhớ con quá mạng, anh à.”

Tôi nói:

“Dù sao anh cũng ngon lành rồi, vài tháng nữa là bà xã với thằng con qua rồi.”

Người đàn ông cầm lon bia uống một hơi như muốn nuốt trọn một nỗi đắng cay nào, nói:

“Vậy chớ hổng phải vậy đâu anh. Anh có nhớ cái đoạn bà già với con vợ tui nói dìa cái vụ tui gởi quà cho người ta đem dìa mà ở nhà hổng có nhận?”

Tôi gật đầu và hỏi anh ta:

“Anh có gửi mà bị người ta gạt? Tôi đọc báo thấy mấy cái vụ lường gạt này thiếu gì. Về Việt Nam bị tịch thu cũng có, lươn lẹo để lường gạt cũng có…”

Người đàn ông lắc đầu:

“Tui hổng có bị gạt gẫm gì hết trơn. Người đem dìa bển là thằng bạn thân đi cùng tàu, nó cũng ở Nha Mân cùng quê với tui. Anh biết kỳ đó tui gởi dìa cho bà xã tui hai ngàn đô. Tui tính là để cho gia đình sắm sửa ăn Tết cho xôm tụ, cho bà già vợ chút đỉnh để bả uống thuốc, còn bao nhiêu để bà xã tui bả lo cái vụ đàn tụ. Anh biết, thằng bạn trở qua đem tiền đưa lại cho tui, nói: “Anh đừng có buồn, vợ anh cặp với người khác rồi. Chính mắt em thấy. Có tiền gởi cho “chỉ” uổng. Ở bên nầy anh cũng phải “cày” chết bỏ mới có tiền chớ đâu có phải đi lượm. Em đem tiền qua trả lại cho anh.” Anh biết, nghe nó nói tôi chết điếng trong lòng.”

Tôi xen vào:

“Có khi người bạn của anh đặt điều rồi sao?”

Người đàn ông lắc đầu:

“Anh biết thằng nầy nó là thằng đã từng sống chết với tui. Nó là đàn em của tui mà. Anh biết hồi trước mới qua tui với nó dìa cùng một cái tiểu bang gì mà trồng tàn là bắp không đó…”

Tôi nói chắc là tiểu bang Iowa. Người đàn ông nói lớn:

“Đúng đó, tiểu bang đó đó. Ở đó lạnh hết biết. Anh biết qua Mỹ một tuần sau là tụi tui nhào vô hãng thịt bò chặt thịt. Tối ngày mình mẩy máu me tanh rình. Lạnh tê tay, tê chưn luôn. Được cái là tiền lương cao. Lương xì-tạt sáu, bảy đồng ở đó lúc đó là cao lắm. Tiền mướn nhà rẻ rề. Cuối tuần thôi thì nhậu nhẹt hết biết. Nhậu xong cả đám kéo nhau đi tới chỗ nhảy sếch-xy, coi mấy con đầm cởi truồng dạng háng, chổng khu, có mấy thằng Mỹ cuộn tiền ngậm miệng chọt chọt, tục tĩu hết biết. Coi rồi chịu đời đâu có thấu, lại phải xách xe đi chở mấy con điếm dìa. Thôi thì hầm bà lằng đen, trắng, đỏ, vàng. Mễ cũng có, Ấn Độ cũng có, Đại Hàn cũng có. Đặc biệt ở đó hổng có Việt Nam làm cái nghề không vốn nầy. Anh biết, có lần tụi tui đập lộn với mấy thằng Mỹ ở chỗ đầm cởi truồng. Lần đó không có thằng đàn em là tui đã tiêu xuơng mạng rồi. Nó gan lắm: Vọt ra trước, rồ máy xe, để cửa, tui vừa chạy ra, nhào lên là nó đạp ga, tông vô mấy thằng Mỹ đang đón đầu xe. Ủi té một thằng, mấy thằng kia dạt hết trơn. Kỳ đó dìa phải gỡ bảng số, bỏ luôn chiếc xe. Hổng biết thằng Mỹ bị ủi sống chết ra sao.”

Anh ta khui tiếp lon bia khác, nói:

“Anh biết “ăn quen chồn đèn mắc bẫy.” Có lần tui bị bịnh lậu. Một tiếng kêu cha, ba tiếng kêu chó! Ở bên nầy mà bị ba cái vụ nầy là tụi nhà thương nó coi mình như con chó. Nó hỏi mình cứ như công an Việt Cộng hỏi cung tù chánh trị: “Điếm khu nào? Đen, trắng, đỏ, vàng? Mách-lốp mấy lần? Kiểu cách gì? Trả bao nhiêu tiền?” Lúc đó tui chỉ biết có “dét” với “nô”. Nó nói nó nghe, tui có hiểu gì mà “khe” với hổng “khe”. Bực mình nhứt là cái cha người Việt, nhơn viên của Trung Tâm Định Cư Người Tỵ Nạn. Chả làm như ông cố nội của mình hổng bằng. Chả cứ càm ràm: “Mới qua cũng bày đặt đi chơi bời. Chơi bời hổng chịu mang “áo mưa” để bị bịnh, làm nhục người Việt Nam.” Mấy người đã định cư lâu có nói cho tui nghe về cha nội nầy. Chả làm lãnh tụ, lãnh tiếc của cái Mặt Trận gì đó, tổ chức đại nhạc hội “Cứu Người Biển Đông” rồi lem nhem tiền bạc bị đồng bào tẩy chai. Chả còn chiên môn dụ mấy người đàn bà goá chồng ở đảo mới qua, lợi dụng việc giúp những người nầy điền đơn xin trợ cấp để ép người ta phải cho thằng chả chơi. Có lần nhè đem hột sàn tặng cho một người đàn bà đã có chồng để gạ gẫm mách-lốp, bị anh chồng xách súng rượt chạy có cờ. Nên

tới lúc nghe chả nói giọng cha, tui bèn mần liền: “Xin lỗi, hổng lẽ qua lâu mới có quyền đi chơi đĩ. Mang áo mưa hay hổng mang áo mưa là quyền của tui. Bịnh tụi chịu chớ tui có bắt ông phải chịu đâu mà ông nói vậy. Chơi bời bị bịnh thì nó đâu có liên quan gì tới cái chiện làm nhục người Việt Nam. Tui đâu có tổ chức kháng chiến giả, phục quốc ma, cứu người biển Đông dỏm để giựt tiền, giựt bạc của ai. Tui đâu có dụ dỗ chơi vợ của người khác để bị người ta xách súng rượt chạy có cờ.” Chả biết là đụng phải thứ thiệt, nhưng vẫn cố lớn tiếng vớt vát: “Thôi anh im cha cái miệng của anh đi. Tôi nói vậy là vì quyền lợi của những người đi sau Anh bê bối vậy rồi có người Mỹ nào dám sponsor cho người tỵ nạn nữa.” Tôi la lớn: “Ông không có quyền gì mà cấm cản tui. Ông là nhơn viên Sở Xã Hội thì ông cũng là cu-li của Mỹ thôi. Nhờ có người tỵ nạn ông mới có việc làm. Xin lỗi ông, ông đừng có bày đặt làm phách chó với tui.” Chả nghe tui làm dữ, chả nín thinh. Tội nghiệp vợ chồng ông bà Mỹ bảo trợ. Hết dòm tui tới dòm cha nhơn viên Sở Xã Hội. Tui thấy mình kỳ cục hết sức. Trị bịnh xong xuôi, tui mắc cở với ông bà bảo trợ người Mỹ quá, tui rủ thằng đàn em dìa Cali, nhờ người ta viết cái thơ cám ơn ổng bả. Dìa dưới nầy tui chí thú làm ăn, lo giấy tờ bảo lãnh vợ con. Anh biết tui đi làm tối ngày, đâu có thời giờ mà xài tiền. Bao nhiêu tiền bạc tui tom góp gởi dìa Việt Nam, hết thùng quà nầy tới thùng quà khác, hết trăm đô nầy tới trăm đô khác liền xì bốc.”

Anh ta uống cạn lon bia, bóp bẹp cái lon, lấy lên hai lon khác:

“Anh biết, lúc trước điện thoại ở đây gọi dìa Việt Nam mười lăm đô một phút, mỗi ngày tui nói chuyện với vợ tui mươi, mười lăm phút là chuyện thường. Có tháng trả tiền điện thọai cả ngàn bạc tá hỏa tam tinh. Nghe thằng đàn em sống chết với tui dìa Việt Nam qua cho biết tình trạng của con vợ tui, tui chết điến trong lòng. Đêm không sao ngủ được. Đi làm về phải uống bia vô cho say mới ngủ được. Anh biết, tui đau khổ dễ sợ. Phải chi bên nầy mình bê bối, mèo mỡ ăn chơi. Đằng nầy… Nói thiệt với anh chớ lúc nghe thằng đàn em nói, tôi muốn… dứt dây trưởng ấp luôn. Suy nghĩ lại tội nghiệp thằng con. Nó đâu có tội tình gì. Với lại nghĩ cho cùng, tui cũng hổng trách móc gì con vợ tui. Anh biết cũng cả chục năm rồi. Cũng thèm khát…”

Tôi nhìn người đàn ông. Ngạc nhiên. Anh ta vẫn tỉnh bơ, nói tiếp:

“Ai mà hổng có lỗi lầm. Hổng lẽ mỗi lần đạp cứt mỗi lần chặt chưn. Tui tha thứ cho con vợ của tui. Mấy bà lớn bên nầy có ăn có học mà có bà còn bỏ chồng lấy thằng tà lọt. Con vợ tui nó làm vậy cũng là dì cái hoàn cảnh nó đẩy đưa. Vợ tui nó cũng đã xa tui cả chục năm rồi.”

Người đàn ông ngúc ngúc cái đầu:

“Anh biết, vừa rồi tui tức tốc gởi dìa cho con vợ tui một thùng quà. Anh biết tui gởi dìa cho nó cả chục vĩ thuốc ngừa thai có nhờ người ta biên tiếng Việt chỉ dẫn rành rẽ cách xài. Thôi, mình ngăn cản cái lòng ham muốn của nó hổng được thì mình phải nghĩ cái cách ngừa cái hậu hoạn. Anh nghĩ tui làm vậy có phải không?”

Không đợi tôi trả lời, anh ta nói tiếp:

“Sợ là sợ tới lúc được đi định cư nó nhè mang cái bụng chành ành, người ta không cho đi mới là đổ nợ. Thôi thà làm vậy cho chắc ăn. Dù sao cũng phải nghĩ tới cái tương lai của thằng con. Tui đã bị tù hai năm, sáu tháng ở trại tù Châu Bình tôi ngán quá rồi.”

Người đàn ông giọng nói đã bắt đầu lè nhè:

“Nghe nói là anh viết văn, làm báo, theo anh, chiện đời của tui anh viết thành một cái chiện ngắn được hôn?”

Trong cơn váng vất, tôi nghe tiếng trả lời của mình:

“Chuyện của anh viết thành một bộ trường thiên tiểu thuyết còn được, nói gì chỉ là một truyện ngắn.”

Người đàn ông đứng lên, ngã tới, ngã lui:

“Thiệt vậy sao? Viết đi, tui cho phép anh viết chiện thiệt của đời tui đó.”

NGUYỄN THIẾU NHẪN

San Jose, Mùa Đông 1991.