NGƯỜI ĐÀN BÀ MANG THAI TRÊN BIỂN ĐÔNG
NGUYỄN THIẾU NHẪN
1.
Chàng gặp nàng lần đầu tiên ở bãi biển cạnh quá cà phê Santosa của thành phố tồi tàn này.
Nàng đang tập thể dục nhịp điệu theo sự chỉ dẫn của người đàn bà Nhật phụ trách phủ Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc ở đây. Đa số là phụ nữ. Họ đang uốn éo nhún nhẩy theo điệu nhạc phát ra từ chiếc cassette hiệu Sanyo. Người đàn bà Nhật khoảng ba mươi tuổi, tóc hớt kiểu con trai với chiếc răng thỏ với nụ cười rất có duyên. Thoạt nhìn, ít ai nghĩ người-đàn-bà-trẻ-con của xứ Mặt Trời này là người có những quyền hạn và trách nhiệm quan trọng đối với hàng ngàn người tỵ nạn ở đây vì sự hòa đồng của bà ta. Nhiều huyền thoại được thêu dệt quanh người phụ nữ Phù tang. Có người nói hồi còn làm việc ở Thái Lan, bà ta có một người tình nguyên là Đại úy phi công của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Đa số người Việt Nam ưa nghe những tin đồn và phóng đại những tin đồn đó ra. Có thể để tỏ ra ta đây biết nhiều. Có thể vì một ẩn ý nào đó. Chàng rất có cảm tình với người đàn bà này vì sự hòa đồng của bà ta.
Trước năm chàng đến đảo, vào dịp Tết Việt Nam, người ta kể lại rằng bà ta đã cùng với người tỵ nạn leo lên mái nhà, dùng gậy đập vào mái tôn thay tiếng pháo mừng xuân tha hương. Tới sáng, nhảy xuống bị bong gân hết một chân phải đi cà nhắc cả tuần. Một điều dù ác ý đến mấy, bất cứ người tỵ nạn nào cũng thấy là bà ta đã giúp đỡ tối đa việc định cư người tỵ nạn trong trách nhiệm và quyền hạn của mình.
Người đàn bà ấy đã khóc với nỗi buồn và cười với niềm vui của người tỵ nạn. Người ta kể lại rằng bà ta đã nhiều lần ôm mặt khóc nức nở khi thấy từ chiếc tàu rách nát tang thương những thiếu nữ thân thể lõa lồ, run rẩy đôi chân mà háng, đùi còn loang lổ những vết máu khô – dấu vết tội ác man rợ của hải tặc điên cuồng dã thú. Người ta cũng có thấy nụ cười rạng rỡ của người-đàn-bà-trẻ-con ấy khi ôm hôn và vẫy tay sayonara với một vài người tỵ nạn giúp việc cho bà ta ở hội trường, khi những người này được chuyển về đất liền để đi định cư.
Sáng nay, khi chàng và đứa con trai năm tuổi đang chạy dọc bãi biển thì gặp bà ta và đám đông. Vừa nhún nhẩy vừa vẫy tay gọi chàng bằng tiếng Việt Nam:
-Vào đây với chúng tôi.
Chàng vẫy tay vừa nói cám ơn vừa chạy tiếp. Chợt chàng khựng lại khi nhìn thấy nàng. Nàng đứng đó – sặc sỡ như một con chim sâu. Nàng đứng dạng hai chân, chống nạnh, ngả đầu qua phải, qua trái theo hướng dẫn của người đàn bà Nhật. Tự dưng chàng chú ý một cách kỳ lạ vào thân dưới của nàng khi nàng ngả đầu ra phía sau. Nàng mặc quần cụt ngắn, hai đùi trắng muốt – cũng giống như người đàn bà Nhật. Theo người đàn bà Nhật và đám đông, nàng nằm ngửa, dạng hai đùi làm các động tác. Chàng nhìn lại nàng, hình như nàng có mỉm cười, rồi chạy theo thằng con đang chạy lúp xúp phía trước. Có nhiều người đàn bà thân hình rất đẹp nhưng ở hai đùi gần háng hơi bị nám làm mất đẹp. Chàng nghĩ nàng và người đàn nhà Nhật không thuộc loại này. She is three months in pregnancy! Tự dưng chàng có ý nghĩ kỳ cục này khi bước trên những bực tam cấp dẫn lên đồi Tôn Giáo. Đứa con buông tay chàng ra, nói: “Con lạy Phật Bà, nghe ba.” Chàng như đang chìm đắm vào cõi mộng mị nào. Hình như có tiếng chuông chùa. Chàng thấy từ chân trời xa nụ cuời Trầm rạng rỡ: “Mừng anh và con đã đến bến bình yên.” Đứa con nắm tay chàng lắc lắc làm chàng giựt mình: “Sao ba không lạy Phật Bà? Ngoại nói Phật Bà cứu khổ cứu nạn đó, ba lạy đi ba. Hôm ngoài biển lúc gặp hải tặc ba cũng kêu con đọc kinh cầu nguyện Phật Bà.” Lúc bước trên những bậc tam cấp dẫn xuống phía dưới đồi chàng lại nhớ tới người đàn bà. Nàng có gương mặt như Phật Quan Âm. Và nàng đã có thai ba tháng. Đứa con buông tay chàng ra, vùng vằng: “Ba kỳ quá, sao ba không lạy Phật Bà, ba bị rầy cho coi. Ngoại nói Phật Bà là quyền lắm đó.” Nó bước tới mấy bước rồi lại nói tiếp: “Ba nhớ kỳ trước ba với con với mấy chú gì đó đi vượt biên bị gạt bỏ giữa sông. Ngoại nói tại ngoại cầu xin Phật Bà đừng có cho đi đó. Con không chơi với ba nữa đâu” rồi nó bỏ chạy. Chàng phải chạy theo nắm tay nó lại dỗ dành: “Thôi để mai ba lạy. Giờ phải về ăn sáng. Ba đói bụng quá chừng rồi.” Thằng bé nhoẻn miệng cười: “OK!”
2.
Ngay tuần lễ đầu khi trở về từ tù ngục. Sau khi đã cùng nhau hâm nóng lại cảm xúc. Trong căn phòng tân hôn ngày cũ còn đầy ắp những kỷ niệm, chàng âu yếm ôn hôn người vợ thủy chung: “Anh muốn chúng ta có một đứa con.” Đôi mắt mở lớn những ngạc nhiên, vợ chàng thì thào trong môi hôn: “Sao hồi ra thăm nuôi ở Vĩnh Phú, em nói em muốn có với anh một đứa con mà anh không chịu?” Vợ chàng vừa nói vừa leo lên người chàng, hôn và yêu chàng cuồng nhiệt. Chàng cũng nhiệt tình hưởng ứng. Vợ chàng bao giờ cũng mới, lạ và nhiệt tình. Chàng biết vợ chàng không thể hiểu được những điều chàng đã nghĩ, lúc đó. Chàng đã sống trong một gia đình ly tán. Chàng đã biết thế nào là khổ sở của một đứa trẻ ra đời trong một hoàn cảnh như thế. Làm sao dám nghĩ tới việc có một đứa con khi mà sinh mạng của mình đang nằm trực tiếp trong tay những kẻ ngu dốt. Khi mà cái chết lúc nào cũng rình kề sát bên mình. Người ta chết vì đói, chết vì bệnh, chết vì đối kháng, chết vì bị giết lần mòn, chết vì kẻ có quyền âm mưu giết chết. Làm sao vợ chàng biết được là chàng chỉ muốn đứa con được ra đời trong sự cảm thông của hai tâm hồn và sự hòa hợp giữa hai thế xác. Chớ không phải là kết quả của chỉ thuần đòi hỏi vì nhu cầu sinh lý. Làm sao nói cho nàng nghe, trong lúc này, rằng lúc đó chàng chẳng có chút hứng thú nào để yêu nhau trên chiếc giường tre ọp ẹp đầy những rệp. Làm sao có đủ hứng thú và sức lực để yêu nhau khi quanh năm suốt tháng mỗi bửa ăn chỉ lưng bát bo bo với rau nấu với nước muối, đôi khi cũng chẳng có muối. Làm sao nói cho nàng biết được là lúc đó chàng đang âu lo về một ngày trở về không bao giờ có.
Chàng biết vợ chàng cũng chẳng cần nghe những điều đó trong lúc này. Nàng tiếp tục cuồng nhiệt hôn chàng, yêu chàng cho tới lúc mệt nhoài nằm luôn trên người chàng và ngủ. Chàng thấy hai vú nàng đè lên bộ ngực lép kẹp của mình. Hai đầu vú hồng hồng ngoảnh về hai phía. Chàng nghe rõ từng nhịp thở nhè nhẹ của nàng. Chàng sờ nắn từng phân ly da thịt nàng. Chàng se se hai đầu vú hồng hồng của nàng. Nàng cục cục nói trong cuống họng: “Nhột em, anh.” Chàng vừa tiếp tục, vừa nói: “Anh tưởng em ngủ.” Nàng ậm ừ: “Anh biết là em đâu có ngủ, em đang chờ mà.” Chàng cũng đang chờ. Chàng cảm thấy nhớp nháp ở phần tiếp xúc phía dưới thân thể của cả hai. Chàng nghe có sự chuyển động ở phần nhạy cảm nhất của cơ thể mình. Chàng xoay mặt nàng lại hôn nàng tham lam. Hai chiếc lưỡi quyện nhau. Những chiếc răng va chạm nhau. Chàng nghe rõ tiếng nuốt nước bọt của nàng và của mình. Vừa tiếp tục hôn chàng vừa lật người nàng qua. Chàng chồm người lên và yêu nàng cuồng nhiệt hơn bao giờ hết. Và cũng như những lần yêu nhau, nàng lim dim mắt hưởng ứng nồng nhiệt bằng tất cả thân thể mình. Cho tới lúc chàng bắt đầu tiến tới tột đỉnh cũng là lúc nàng cuống quít, siết chặt người chàng, thì thào: “Chắc chúng ta đã có con!”
Chàng và nàng ôm nhau ngủ say như hai con thú no mồi.
*
Khi vợ chàng với bản tính e thẹn của người phụ nữ Việt Nam, kín đáo báo tin cho chàng biết là nàng đã có thai, chàng kêu to lên: “Thật sao?” Nỗi vui mừng òa vỡ to lớn như khi chàng nghe tên Phó Giám thị trại tù đọc tên chàng trong lệnh tha. Chàng đặt nàng ngồi lên giường, quỳ xuống, đặt tay lên bụng nàng, im lặng lắng nghe về một sự sống đang hình thành, đang lớn dần. Bàn tay chàng di động, táy máy. Nàng chận tay chàng lại, nũng nịu: “Nhột em, anh.” Chàng dở áo nàng lên, kéo quần nàng xuống, chui đầu hôn vào bụng nàng. Chàng mơn man từng phân ly da thịt nàng. Nàng cười cúc cúc: “Đừng anh, đừng anh.” Chàng hôn nàng thật lâu. Và nàng ngả người ra giường, nhắm mắt lắng nghe hạnh phúc tuôn trào.
Chàng tìm đủ các sách vở, tài liệu viết về người đàn bà mang thai, về cách săn sóc trẻ sơ sinh. Chàng đọc lớn cho nàng nghe. Theo tài liệu, sách vở chàng săn sóc nàng từng ly, từng tý. Chàng mua các thức ăn theo tài liệu. Bắt nàng phải ăn, ép nàng phải uống. Mấy cô em vợ thấy vậy cười ngất: “Cái anh này ảnh thương chị Hai dễ sợ.” Chàng chẳng chút mắc cở vì cái nhận xét này. Nàng thầm hãnh diện vì được chồng yêu thương, chăm sóc.
Một hôm, buổi sáng, nàng đang ngồi trước hiên nhà vừa phơi nắng vừa đan chiếc vớ cho đứa con sắp sinh. Chàng từ trong nhà chạy ra: “Vô anh nói cái này nghe.” Nàng bước vào phòng. Chàng đóng nhanh cửa lại. Trên tay chàng đang cầm một quyển sách. Chàng bật các cúc áo của nàng. Chàng trân trối nhìn vào ngực nàng: Vú nàng nở hơn trước. Chàng bỏ sách xuống, cúi hôn nhẹ lên đôi bầu sữa tuyệt vời. Nàng mỉm cười, lim dim mắt, ngả người ra giường. Chàng kéo quần nàng xuống: Bụng nàng đang lớn lên. Chàng áp tai, mắt, mũi, miệng, má lên khắp bụng nàng. Nàng co người lại: “Râu anh làm em nhột quá, anh.” Có tiếng bà mẹ đi chợ về nói chuyện với mấy đứa em ở nhà dưới. Nàng ngồi dậy, vuốt lại tóc, nũng nịu: “Kéo quần lên cho em, anh.” Chàng làm theo lời nàng, hôn nàng một lần nữa.
Nàng dí tay vào trán chàng, trách yêu: “Mới sáng mà làm cái trò khỉ, không sợ mấy em nó biết nó cười.” Nàng gỡ tay chàng ra rồi chạy nhanh xuống nhà dưới. Nàng nghe loáng thoáng giọng nói của chàng: “Đừng chạy, em.”
3.
She is three months in pregnancy! Tự dưng chàng có cái ý nghĩ kỳ cục đó khi gặp người đàn bà tập thể dục nhịp điệu trên bãi biển sáng nay. Ý nghĩ này làm chàng nhớ người vợ một cách quay quắt. Buổi tối chàng có ý định tìm lại người đàn bà đó ở bãi biển. Lúc đi ngang qua công viên trẻ con, đứa con bỏ tay chàng ra, leo lên cầu tuột và thả tay tuột xuống ngã lăn làm chàng lo sợ muốn chết. Thằng bé đứng dậy phủi đít, nói không đau, mặc dù nhìn mặt là chàng biết nó đau lắm. Chàng có nhận xét những đứa trẻ hụt hẫng tình cảm, thiếu cha hoặc mẹ thường khôn trước tuổi và có vẻ cô đơn. Đứa con chàng cũng đang ở trong tình trạng này. Thằng bé thường có những ý kiến và việc làm trái ngược với chàng. Chàng định cho nó ăn bánh mì thì nó đòi noodle. Chàng gọi milk with ice thì nó đòi cà phê đá. Chàng thì rất mực chiều nó vì sợ nó khóc làm chàng nhớ tới người vợ vì thằng bé nó giống mẹ nó quá sức! Đôi mắt với hàng mi dài của nó rất đẹp – như mẹ nó.
Chàng nắm tay thằng bé đi về phía quán cà phê có nhạc. Gió biển thốc lên làm lạnh cả mặt. Những thuyền đánh cá của những ngư dân địa phương với những đèn nhử cá sáng trưng thả quanh vịnh trông giống như một đêm hoa đăng. Xa xa đảo Cá Mập mờ mờ như chiếc lưng của một chú cá khổng lồ.
Thanh niên nam nữ từng cặp, từng cặp ngồi trên các ghế đặt dọc theo bãi biển. Chàng và đứa bé đã đi gần tới đám đông. Đang đi bỗng chàng nghe có tiếng cười khẽ. Rồi có tiếng nói: “Hai cha con đi đâu vậy?”
Chàng quay lại, mở mắt, ngạc nhiên: “A… cô!” Người đàn bà ấy đang tươi cười nhìn chàng và đứa con. Nàng lặp lại câu hỏi. Chàng đáp không suy nghĩ: “Tôi đang đi tìm cô đây.” “Tìm tôi?” nàng chỉ vào ngực mình, tỏ vẻ ngạc nhiên. Chàng ngúc ngúc cái đầu: “Thật đó. Tôi đi tìm cô thật đó. Cô không tin sao?” Nàng cười lớn: “Chớ chị đâu mà anh đi một mình với cháu?” Chàng đưa tay chỉ về phía biển xa: “Cô ấy đang còn ở bên kia… biển.” Nụ cười trên gương mặt nàng chợt tắt. “Chúng ta đi kiếm một cái gì uống đi.” Chàng đề nghị và mời nàng ngồi xuống một cái bàn trống gần mé biển. Sóng đánh mạnh vào bờ rồi lại rút ra xa. Bọt nước trắng xóa dưới ánh đèn. Tiếng sóng biển vỗ bờ, tiếng người cười nói, tiếng nhạc phát ra từ chiếc máy hát cũ, tạo thành một âm thanh hỗn độn. Nàng khuấy chiếc muỗng nhựa trong ly cà phê đá, vớt một cục đá nhỏ, đưa lên miệng ngậm, cười cúc cúc trong cổ họng: “Em có cái tật kỳ cục, lạnh lại thích uống cà phê đá.” Chàng nói tỉnh bơ: “Cô cũng giống vợ tôi.” Nàng kín đáo nhìn chàng, thấy chàng vẫn tỉnh bơ nhìn về phía biển xa. Bỗng nhiên chàng quay lại nhìn nàng, nói với vẻ quan trọng: “Tôi có điều muốn hỏi cô, nếu có gì không đúng cô bỏ quá cho.” Đứa con chàng chợt xen vào: “Ba ơi! Trái vải là trái gì vậy ba?” “Thì cái trái con vừa ăn đó.” “Con biết rồi. Trái vải này hồi ở Việt Nam má làm cho con ăn hoài. Má nói ba mua bồi dưỡng má hồi má có bầu, má giấu ba để dành cho con đó. Phải giống thứ trái vải này không ba?” “Ờ, thứ trái vải này đó con.” Nàng nghe giọng nói của chàng như khản đặc lại. Đứa con của chàng gãi gãi đầu: “Con buồn ngủ quá, ba.” Chàng ôm nó vào lòng. Vỗ vỗ đầu nó, nói ngủ đi con. Thằng bé ngủ nhanh không ngờ. Nàng lùi về một phía, nói anh ngồi xích qua bên này, để chỗ cho cháu nó ngủ. Họ ngồi sát nhau. Nghe cả hơi thở của nhau. Tự dưng nàng có vẻ hồi hộp: “Anh định hỏi gì em?” Chàng nói thật bất ngờ: “Có phải cô có thai ba tháng?” Nàng mở lớn mắt, ngạc nhiên: “Sao anh biết?” Chàng ngúc ngúc cái đầu: “Tôi đoán vậy thôi.” Nàng đã hết hồi hộp, nàng đã lấy lại tự nhiên: “Trước 75 phải anh làm nghề thầy bói chắc các ông Khánh Sơn, Huỳnh Liên thua xa.” Nàng xác nhận là chàng đoán đúng nhưng vẫn ngạc nhiên không hiểu tại sao mới gặp nhau có một lần, chưa nói với nhau câu nào mà chàng lại đoán kỳ cục như vậy. Nàng đem thắc mắc hỏi chàng, chàng cười cười: “Tôi cũng không biết nữa. Tự dưng lúc nhìn cô nằm dưới cát, lắc lắc chân theo tiếng nhạc, lúc cô ẹo qua, ẹo lại theo tiếng đếm của người đàn bà Nhật, tôi nghĩ là cô có bầu vì cô cũng giống như vợ tôi lúc nàng có bầu.”
Gió biển mang đầy hơi nước ẩm ướt. Nàng kéo cao cổ áo sweater, nhìn về phía biển xa. Nàng đưa tay kín đáo sờ bụng. Nàng có cảm giác như nó đang lớn dần. Người đàn ông này là ai mà biết được là tôi đang mang cái dĩ vãng đau thương, cái quá khứ ô nhục trong người? Điều mà chỉ có có những người có quyền hạn ở đây mới được biết. Mà tôi chỉ mới cho họ biết có một phần sự thật. Theo tôi, những tên hải tặc man rợ cướp của, hãm hiếp, giết người trên biển đông chưa phải là thủ phạm chính của tội ác. Những kẻ cầm đầu đương quyền ở nước tôi mới là chính phạm. Chính những người này đã nhân danh một chủ nghĩa ngoại lai, một ý thức hệ lỗi thời để đưa dân tộc Việt Nam vào đói nghèo, thù hận; đã đẩy chúng tôi – những người dân Việt Nam muốn được tự do đến chỗ cùng đường. Và chúng tôi đã vượt biển để tìm tự do: Chúng tôi đã đánh đổi Tự Do bằng chính máu của mình!
Họ ngồi sát bên nhau. Đứa con bây giờ nằm trên đùi của hai người. Tự dưng nàng thấy tin cậy người đàn ông vô cùng. Trong tiếng sóng biển vỗ bờ, tiếng người cười nói, tiếng nhạc phát ra từ chiếc máy hát cũ tạo nên một âm thanh hỗn độn, nàng kể cho người đàn ông nghe câu chuyện thương đau:
“… Cũng như số phận của những sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không thoát được sau tháng 4 năm 75, chồng em đã bị Việt Cộng giam cầm qua sáu trại tù. Từ Hốc Môn, Long Giao, Suối Máu ở trong Nam đến Nghĩa Lộ, Lào Cay, Vĩnh Phú ở ngoài Bắc. Em không biết ngày xưa “Tô thị bồng con đứng đợi chồng về” tới bao giờ thì hóa đá. Em không được như Tô thị. Chúng em lấy nhau cuối năm 1974, đến tháng 4 năm 1975 thì chế độ Cộng Hòa sụp đổ. Em đã thay mẹ nuôi chồng, nuôi cha qua các trại tù “cải tạo” từ Nam ra Bắc. Em không có diễm phúc có được một đứa con như một tin yêu để đợi chờ.” Nàng cúi xuống nhìn đứa con của chàng đang say giấc ngủ thiên thần. Đứa bé có hàng mi dài, thật đẹp. Nàng nghĩ, chắc là vợ chàng phải đẹp và chắc là họ yêu nhau lắm. “Đến năm thứ mười thì ba em được trả tự do. Ông quyết định móc nối tổ chức vượt biên. Và ông đã bàn tính với em điều này. Em thu xếp để đi thăm chồng em lần cuối. Anh biết, mười năm em nhẵn mặt với các trại cải tạo. Những đợi chờ, phép tắc, lội suối, trèo đào để được gặp mặt dăm ba phút. Để nhìn thấy cha, chồng ốm yếu, xanh xao, héo mòn, bệnh hoạn. Bao nhiêu người cha, người chồng, người con đã bị bọn nhân danh chủ nghĩa giết lần mòn trong các trại giam trá hình được gọi là trại cải tạo?
Năm thứ ba em có nhận được của chồng em một lá thư viết từ ngoài Bắc: “Chúng ta mới lấy nhau, chưa có con cái gì ràng buộc. Em chờ đợi anh đã ba năm. Anh nghĩ em có tự do để quyết định cuộc đời. Em hiểu ý anh?” Em đã khóc vì anh ấy không hiểu gì về em, anh ấy đánh giá tình yêu của em quá thấp. Bây giờ nghĩ lại em mới thấy là anh ấy có lý – những ý nghĩ của người bị giam hãm trong tù đày không có lối thoát. Sao em nỡ trách anh ấy. Lúc nhận được thư em vẫn im lặng không trả lời. Vẫn tiếp tục gởi quà, thăm nuôi. Em quyết định ra đi vì nghe nói Mỹ và Việt Cộng có ký kết một thỏa hiệp. Mỹ nhận lãnh các tù nhân hiện đang còn bị giam giữ trong các trại cải tạo. Em muốn tự mình can thiệp để bảo lãnh anh ấy thoát được ra nước ngoài. Bởi, theo em, nếu anh ấy được thả ra và vẫn ở lại quê nhà thì có khác gì lại bị giam cầm ở một nhà tù rộng lớn hơn. Em không hổ thẹn gì về việc anh ấy sẽ đi bán vé số, đi đạp xe xích lô, đạp xe ba gác, vá sửa xe đạp và tất cả những nghề mà những đồng đội anh ấy đã được thả ra và đang làm để sống qua ngày. Cái em sợ nhất – mà em nghĩ các bạn anh ấy cũng đã nghĩ là lúc nào Việt Cộng cũng gây cho họ cái cảm tưởng là họ có thể bị bắt lại trại giam bất cứ lúc nào. Lúc nào cũng mang tâm trạng bất an như thế thì sống thế nào nổi. Vì vậy em quyết định ra thăm anh ấy trước khi đi.
Hốc Môn nhát cuốc bắt đầu
Long Giao đất đỏ lệ trào chứa chan
Đường về Suối Máu gian truân
Đường ra Nghĩa Lộ muôn phần đắng cay
Lạnh lùng sương trắng Lào Cay
Đường về Vĩnh Phú tương lai mịt mù…
“Anh đã có nghe những câu thơ này lần nào chưa?” Tự dưng đầu óc chàng đổ dồn những hồi chuông kỷ niệm. Đây là những câu lục bát mở đầu cho tập hồi ký chàng dự định viết khi ra khỏi trại tù. Người bạn tù nào đã phổ biến những câu thơ. Nàng vẫn tiếp tục kể, không để ý đến chàng. “Anh biết Vĩnh Phú? Chồng em ở K.4. Em đã phải mướn xe trâu chở quà đến cho anh ấy. Em đã lột giày, soắn quần lội bộ trên quảng đường đất đỏ bùn ngập tới mắt cá chân. Thấy em ì ạch, cậu đánh xe người Bắc nhảy xuống đỡ em lên xe và anh ta lội bộ dắt trâu đi. Em gạ chuyện và được biết cậu ta mười chín tuổi, đã ở tù bảy năm từ trại thiếu niên tới trại người lớn vì tội… đánh cắp một con lợn. Thường người tù nào cũng nghĩ mình vô tội hoặc rất nhẹ. Nhìn nụ cười, nghe cách nói của cậu này, em nghĩ là cậu ta nói thật. Lúc em nói tên chồng em thì cậu ta kêu lên: “A, em biết tay này. Anh ấy ở đội Lâm sản ấy mà. Thế ra bà chị đi thăm anh ấy à. Tay này sướng nhỉ. Có bà vợ đẹp như tiên.” Em nói: “Tôi mà đẹp gì, cậu.” Nhưng trong lòng thầm hãnh diện. Phụ nữ nào mà chẳng thích người khác khen mình đẹp, phải không anh?” Chàng nhìn nàng cười cười làm nàng phát ngượng. Lúc cùng nhìn lại họ mới biết những người bán quán đang dọn dẹp bàn ghế và họ là những người khách sau cùng. Chàng gọi tính tiền. Chàng vác đứa con trên vai. Chàng đưa nàng về khu nhà nàng ở. Và chàng đề nghị ngày mai họ sẽ đi picnic. Và ở đó nàng sẽ kể tiếp câu chuyện. Nàng reo lên như một đứa trẻ: “Tuyệt diệu!” Chợt nàng vít đầu chàng xuống và hôn chàng. Bất ngờ. Trên đầu họ những tàu lá dừa xào xạt.
Suốt quảng đường về, cho đến khi chợp mắt chàng vẫn còn nghe dư vị môi hôn. Chàng thấy lòng mình như rộn lên một niềm vui. Trong giấc ngủ mộng mị chàng gặp lại người vợ. Nàng mỉm cười độ lượng: “Em không trách gì anh đâu. Người đàn bà ấy đáng thương, nàng cũng tội nghiệp như em.”
4.
Buổi sáng chàng đang ngồi uống cà phê với người thanh niên ở chung nhà. Người thanh niên thật tốt với cha con chàng. Anh ta đã giúp đỡ cha con chàng những gì có thể giúp được ngay khi chàng mới đến. Anh ta nói: “Cái số của tôi xui. Nếu cái thư của ông anh gởi về Việt Nam sớm, dặn tôi qua đảo khai dưới mười tám tuổi thì bây giờ tôi đã ở Tây Đức.” Anh ta nhún vai: “Lúc mới đến có biết gì đâu. Mấy ông Việt Nam làm ở Ban Hồ Sơ Người Mới Đến họ bảo sao mình khai vậy. Tới chừng được thư của ông anh mới té ngửa. Đức nó không cho bảo lãnh trên mười tám tuổi. Lại không có diện đi các nước khác.”
Và bây giờ anh ta đang học huấn nghệ để chờ giới thiệu được Úc hoặc Gia Nã Đại nhận cho định cư.
Họ đang nói với nhau về giếng nước, vườn rau với giàn mướp, giàn dưa leo, dăm ba luống rau muống, cải bẹ xanh – tài sản nho nhỏ của người thanh niên ba năm ở đảo chưa được giải quyết việc định cư. Anh ta than phiền với chàng về đàn bà, con gái ở đây. Anh ta chắc chắc lưỡi nói như một cụ già: “Chả biết con cái nhà ai, cha mẹ tốn vàng, tốn bạc cho qua tới bên này rồi đi lấy bậy, lấy bạ tùm lum. Trước ở đây có một cặp, thằng con trai cỡ bằng tuổi tôi, đứa con gái khoảng mười sáu, mười bảy. Tối ngày hết gây gỗ lại kéo nhau lên gác. Bọn nó làm ăn cả ban ngày, không biết xấu hổ chút nào. Tới chừng “quíu” con nhỏ còn bày đặt rên rỉ “chết em anh ơi! chết em anh ơi!” nghe mà phát… nực gà. Đứa con gái dâm đãng hết sức. Hai đứa gây nhau, anh con trai bỏ đi nhà khác đâu mới hai ngày, nó đã nói với con bạn: “Tao vã quá mày ơi! Chắc trưa nay phải đi kiếm ảnh.” Chàng hỏi người thanh niên “vã” là cái gì. Chàng cười ngất khi người thanh niên giải thích “vã” có nghĩa là “muốn cái vụ đó là to be in heat.” Chàng hỏi lại: “Con nhỏ dám nói vậy trước mặt chú sao?” Người thanh niên cười lớn: “Sợ gì mà nó không nói. Nó còn hăm hôm nào nó… phá trinh tôi cho tôi “biết mùi đời.” Anh ta nhún vai: “Tôi không thích lăng nhăng. Cần đi giải quyết trả tiền, thế là xong, không trách nhiệm gì cả. Ở đây có đó, hôm nào anh cần tôi đưa anh đi.” Chàng nói: “Vậy sao, hôm nào cần tôi sẽ nhờ chú.”
Người thanh niên đưa ra một kết luận làm chàng quá đỗi ngạc nhiên: “Hình như cái khí hậu ở đảo nó làm đàn bà, con gái bị to be in heat.” Chàng cười ngất. Người thanh niên cười ngất. Họ đang cười ngất như thế thì nàng đến. Nàng đứng ở cửa, tươi cười rạng rỡ trong chiếc áo màu huyết dụ. Chàng chạy ra đỡ chiếc túi xách trên tay nàng. Chàng toan giới thiệu nàng với người thanh niên, thì anh ta đã cười lớn: “Ai chớ chị Trầm thì tôi biết rồi, người đẹp hội trường thì ai mà không biết.” Anh ta đưa tay về phía chàng: “Xin giới thiệu với chị đây cũng không phải là người đàn ông… dễ làm quen.” Nàng cười lớn: “Thôi đừng có ba hoa chích chòe nữa… người hùng cô đơn. Nhúm giùm chị bếp lửa đi cưng.” Chàng thì đang nghĩ về người thanh niên. Nếu anh ta đã được định cư thì trong ba năm nay anh ta đã được đi học. Với những kiến thức mà anh ta có chắc chắn anh ta đã góp phần vào việc xây dựng đất nước mà anh ta được định cư. Điều làm chàng ngạc nhiên thích thú khi biết nàng tên Trầm – như tên của vợ chàng. Sao có sự trùng hợp lạ lùng tới như vậy.
Lúc bốn người ngồi ăn sáng, thằng con chàng bỗng nói một câu bất ngờ: “Cô làm cái món trứng gà chiên thịt ăn với bánh mì ngon như má Trầm làm.” Nàng thì tròn mắt ngạc nhiên. Chàng thì nghe nhói ở tim. Người thanh niên cười khoái trá, đưa ngón tay cái lên: “Thằng bé chưa bao giờ tỏ ý thích một người nào. Nó thay mặt má nó để giữ ba nó. Vậy mà bữa nay nó khen chị. Nhất chị rồi đó.” Tự dưng chàng và nàng đều cảm thấy lúng túng. Nàng sớt phần trứng của mình cho đứa bé. Nó giữ tay nàng lại: “Cám ơn cô. Cô cho con nửa thôi. Ở Việt Nam cái nào con khoái ăn má Trầm cũng cho con thêm phân nửa. Cho hết lấy gì cô ăn.” Nàng phì cười: “Cô nhịn được mà.” Thằng bé vẫn nhất định không chịu. Và bắt nàng phải ăn phần còn lại nó mới chịu ăn. Người thanh niên sờ cằm, nheo mắt với nàng làm nàng lúng túng thật sự. Lúc chàng đề nghị với người thanh niên cùng đi picnic, anh ta cười lớn: “Cám ơn ông anh, đàn em không muốn làm con… kỳ đà. Với lại sợ có em chị Trầm mất vui.” nàng đập đập vai người thanh niên: “Có mà.” Anh ta đứng lên nói: “Nói chớ cũng thích đi chơi với anh chị và cháu lắm, kẹt bữa nay có hẹn với mấy thằng bạn đến hát cho bà teacher thâu băng để làm kỷ niệm.” Nàng đã lấy lại tự nhiên: Biết rồi, biết cậu là famous singer của trường huấn nghệ rồi.” Người thanh niên cười lớn, bước ra cửa: “huề nhé!” Và anh ta vừa đi vừa hát: “Chúc ông bà: Sunday morning… tình tinh tính tinh…”
5.
Chàng, nàng và đứa con đi về phía biển vắng. Chỉ có một vài người đang ngồi câu cá ở những triền đồi xa. Một thanh niên đeo kính dùng để lặn, vai mang khẩu súng bắn cá, tay xách con cá kìm xanh từ dưới nước đi lên. Thằng bé kêu lên: “Tội nghiệp con cá ghê chưa cô.” Người thanh niên cười: “Không có nó để tôi change thuốc lá White Horse, tôi “vã” thì cũng tội nghiệp tôi lắm.” Anh ta cười với thằng bé rồi đi thẳng. Họ để các túi xách ở một hốc đá. Nàng cởi chiếc áo choàng. Bộ áo tắm màu xanh thẫm làm nổi bật nước da trắng muốt của nàng. Chàng buột miệng khen: “Em đẹp quá.” Nàng chúm môi gửi chàng cái hôn gió, chạy theo đứa bé đang chạy lúp xúp phía trước. Nàng và thằng bé chơi đùa trên bãi cát. Nàng vô cùng thích thú khi thằng bé hỏi nàng những câu hỏi mà nàng chưa bao giờ nghĩ tới. Có những câu hỏi nàng trả lời: “Cô cũng không biết nữa, để chút nữa cô hỏi ba con, nghe.” Thằng bé vừa vọc cát, vừa ngúc ngúc cái đầu: “Cô cũng giống má Trầm, cái gì cũng cứ để hỏi ba nghe, để hỏi ba nghe.” Nàng cười ngất. Thằng bé cũng cười. Chàng đứng bên họ tự bao giờ, hỏi: “Hai cô cháu có gì vui vẻ mà cười dữ vậy?” Nàng kể lại cho chàng nghe chuyện đối đáp giữa nàng và thằng bé. Chàng cười: “Nó thì lúc nào mà chẳng má Trầm, má Trầm.” Thằng bé nheo mắt, chun mũi (nàng thấy thằng bé giống hệt chàng ở cả điệu bộ): “Chớ ba hổng má Trầm, má Trầm sao?” Chàng buông tay, bất lực: “Thôi ba thua con.” Thằng bé vừa bỏ đi, vừa nhại chàng: “Thôi ba thua con! Thôi ba thua con! Có mà…” Hai tiếng “có mà” nó kéo dài nghe thật dễ thương.
Nắng đã bắt đầu lên. Một vài người bắt đầu đi tắm biển. Họ nằm bên nhau. Và nàng bắt đầu kể tiếp câu chuyện đêm qua. Nàng hỏi: “Hôm qua em kể tới đoạn nào, anh?” Chàng chồm người lên: “Em kể tới đoạn này.” Chàng cúi xuống hôn nàng một cách tham lam. Nàng đẩy chàng ra, thì thào: “Người ta thấy, anh.” Chàng ậm ừ: “Kệ người ta.” Họ lại hôn nhau thoải mái giữa trời cao, biển rộng. Một lúc sau họ buông nhau ra. Và nàng kể tiếp:… “Em tới nhà tiếp tân của phân trại K.4. Ở đây, em gặp tên công an mặt mày non choẹt. Anh ta tự xưng với em là cán bộ giáo dục của trại. Em đưa giấy phép cho anh ta. Anh ta nhìn em từ đầu tới chân rồi hỏi một câu nghe sôi gan: “Nghe nói hồi đó các sĩ quan ngụy ép buộc các chị phải lấy các anh ấy.” Anh ta không chờ câu trả lời của em, quay qua đống đồ đạc: “Chị mang theo nhiều thế này chắc phải… bán cả nhà ấy chứ?” Em cố gắng lấy giọng bình tĩnh trả lời: “”Anh nói quá, như thế này đâu có gì nhiều. Đây chỉ là một ít tư trang tôi bán đi để mua sắm đi thăm nuôi chồng tôi. Có thể trong tương lai tôi sẽ bán cả nhà để tiếp tục thăm nuôi anh ấy. Từ điều này tôi cũng xin trả lời câu hỏi thứ nhất của anh. Hơn mười năm nay tôi vẫn thủy chung đi thăm nuôi chồng tôi qua các trại tù từ Nam ra Bắc. Và nếu các sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đều ép buộc các người đàn bà phải lấy họ mà có được những người vợ như chúng tôi thì chuyện ép buộc ấy cũng tốt thôi.” Tên công an hừ một tiếng: “Tôi nhắc lại là chị đã dùng sai từ. Đây là khoan hồng của Đảng và Nhà Nước cho các chị thăm viếng các anh ấy, chứ không phải thăm nuôi. Việc nuôi các anh ấy đã có Đảng và Nhà Nước mà chúng tôi là đại diện.” Nói xong anh ta bỏ đi một mạch.
Một người tù hình như có bổn phận coi sóc nhà tiếp tân, nói với em: “Chị nói thế có khi ông ấy không cho chị gặp chồng. Ông ta là cán bộ giáo dục của trại đó.” Em nhún vai: “Theo anh, tôi phải trả lời như thế nào?” Anh ta có vẻ bối rối: “Thì chị cũng nên lựa lời, mình nằm trong tay người ta. Tôi biết có thể là chị cho tôi hèn nhưng vì chị không có ở tù nên chị không biết.” Em xin lỗi và bỗng nhiên có cảm tình với anh ta. Có những nóng nảy không cần thiết. Có điều em không hối hận về việc đã trả lời như thế đối với tên công an.
Đến trưa thì chồng em ra. Anh ấy nói đang đi lao động thì được gọi về. Thì ra tên công an cũng chưa đến nỗi bần tiện. Anh ấy hỏi nhỏ em: “Em nói gì mà ông cán bộ giáo dục bảo: vợ anh là ghê lắm?” Em thuật lại mọi chuyện cho chồng em nghe. Anh cười: “Em vẫn bướng bỉnh như xưa.”
Chiều xuống thật mau. Em nấu cơm xong thì trời sụp tối. Em chống đũa ngồi nhìn anh ấy ăn ngon lành một lúc tám chén cơm. Thức ăn có gì ngoài thịt ram mặn em đem theo. Thấy em ngồi im, anh ấy hỏi: “Trầm không ăn?” Em đáp em no rồi. Anh ấy không nói gì và tiếp tục ăn hết nồi cơm. Chàng nhắm mắt: “Tôi biết, tôi biết. Tôi đã trải qua những thảm cảnh đó.” Chàng bỗng nhớ quay quắt người vợ đang còn ở bên kia biển. Giọng nàng vẫn trầm trầm: “Em nói với chồng em và lấy một ít thức ăn và thuốc lào đem cho người tù coi sóc nhà tiếp tân. Anh ta cám ơn em rối rít. Em xin lỗi và giải thích với anh ta về việc buổi sáng. Anh ta cười hiền lành: “Chị hiểu vậy là tôi cám ơn lắm.” Em quay trở vào phòng sau khi đã cẩn thận gài chiếc phên tre.
Trên chiếc giường tre ọp ẹp đầy những rệp, trở mình là đã nghe tiếng kêu cọt kẹt, tiếng muổi vo ve điếc cả tai bên ngoài chiếc mùng cáu bẩn, em và chồng em nói với nhau những chuyện gì đâu không. Có những điều đã dự tính, đã sắp đặt tới lúc đó quên mất tiêu. Cả chồng em cũng vậy. Tới lúc em nói với anh ấy: “Em muốn có một đứa con.” Anh ấy có vẻ ngạc nhiên quá sức. Trong ánh đèn tù mù em thấy đôi mắt anh ấy mở lớn. Anh ấy hỏi trong hơi thở: “Trầm muốn vậy, thật à?” Em gật đầu một cách dứt khoát. Anh ấy vụng về, hấp tấp yêu em một cách vội vã như một cậu trai mới lớn.”
Chàng chồm người lên, trố mắt nhìn nàng. Nàng xô chàng nằm xuống: “Anh đừng có phá, để em kể tiếp. Thiệt mà, em nói thiệt mà. Chồng em hôn em, giọng nói ngắt quãng: “Trầm có được… sung sướng không?” Em gật đầu. Em hôn anh ấy. Em ôm siết anh ấy trên mình em. Em sợ anh ấy mặc cảm về sự yếu đuối của mình. Em ve vuốt chồng em, em đánh thức lại cảm xúc và một lúc sau chúng em lại yêu nhau. Lần này thì khá hơn. Lúc xong việc anh ấy có vẻ hài lòng. Nếu tinh ý chắc anh ấy sẽ nhận ra là anh ấy chưa làm em thỏa mãn như lúc ở ngoài đời.”
Chàng lại nhổm người lên, chống tay vào cằm, trân trối nhìn nàng. Nàng xô xô tay chàng: “Anh nhìn gì em. Bộ anh nghĩ là em dâm lắm hả?” Chàng gục gục đầu và nàng chưa kịp phản ứng gì chàng đã ôm hôn nàng. Lúc buông nhau ra nàng lè lưỡi liếm môi: “Anh là… ghê lắm.” Rồi nàng kéo chàng nằm xuống, kể tiếp: “Rồi em ra Hà Nội chờ lấy vé về Nam. Chờ cả tuần lễ vẫn chưa mua được vé. Em sốt ruột quá. Một hôm em vừa đến nhà ga thì thấy một đoàn người khoảng trên một trăm người. Em đoán là tù được tha vì trên gương mặt người nào cũng có vẻ hớn hở. Em nhận thấy có khoảng bảy, tám chục người đều đi nạng gỗ. Chợt trong đám người ấy có người gọi lớn tên em. Em nhận ra ngay người tù coi sóc nhà tiếp tân. Anh ta định đến để nói gì đó với em nhưng không hiểu nghĩ sao anh ta lách qua đám đông và đến gặp hai người công an đứng ở phía ngoài nhà ga. Anh ta nói gì đó với hai người này và chỉ tay về phía em. Sau đó anh ta và hai người công an hấp tấp đi về phía em. Một trong hai người công an có vẻ ngần ngừ một lúc, rồi hỏi em: “Chị là chị Trầm, vợ của anh Kha?” Em gật đầu. Anh ta nói như một cái máy: “Nhân danh Ban chỉ huy trại K.4 xin báo cho chị biết là anh Kha đã bị tử thương trong một tai nạn lao động. Thành thực chia buồn với chị và gia đình.” Em không hiểu bằng cách nào em đã đứng vững được, lúc đó. Có phải sự đau thương quá độ làm người ta trở nên chai đá? Em trở lại trại tù. Tình cờ em gặp lại anh chàng tù hình sự ở tù bảy năm vì tội đánh cắp một con lợn. Anh ta mời em lên xe trâu và trên đường đi anh ta kể cho em nghe về cái chết của chồng em: “Bà chị biết không. Đúng là cái số., bà chị ạ. Bà chị về xong, anh ấy vào trại bọn em trêu anh ấy quá chừng. Anh ấy chỉ cười. Lúc nào cũng cười. Anh ấy mời cả phòng ăn kẹo lạc, hút thuốc lào. Sáng hôm sau lại lao động. Hôm ấy đáng lẽ tới phiên anh ấy lên núi lấy gỗ, nhưng tay đội trưởng bảo anh ấy mới được thăm nuôi và cắt anh ấy với một tay nữa ở lại dưới núi thổi cơm, tức là làm một việc nhẹ nhàng hơn. Đúng là cái số bà chị ạ. Những tay lên núi xẻ, cưa và hạ gỗ. Thường gỗ xẻ được hạ xuống và đưa theo đường truông. Và được báo động trước. Hôm đó gỗ được hạ ở cao quá. Ở trên báo động, ở dưới không nghe. Gỗ lại chạy ra ngoài đường truông. Một nhánh cây đã đập vào ngực anh ấy. Tay kia bị đập gãy xương bả vai. Còn anh ấy bị đập văng tim ra khỏi ngực. Lúc em chạy đến thấy quả tim còn đang nhảy…”
Nghe anh ta kể em ôm mặt nhưng em không khóc. Anh ta nhìn em có vẻ lạ lùng. Chẳng mấy chốc đã đến trại vì hôm đó anh ta chỉ chở mấy bao muối từ K.5 về. Em cám ơn anh ta và anh ta chỉ em đường lên Ban chỉ huy Trại. Ở đây em gặp tên Phó Giám thị và tên công an phụ trách giáo dục. Lại những cái máy phun ra những-câu-nói-không-trái-tim: “Nhân danh Ban Chỉ huy Trại xin thành thực chia buồn với chị. Do không an toàn trong lao động anh Kha đã gặp tai nạn. Do đó, phân trại không đạt được danh hiệu Quyết Thắng là chỉ tiêu phân trại đã đề ra trong năm nay. Phân trại chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm.” Em đã im lặng nghe họ nói. Em nghĩ đối với Việt Cộng chúng ta không thể khoan nhượng mà phải có thái độ dứt khoát. Và thái độ của em lúc đó là im lặng. Im lặng lúc đó cũng là một cách khinh bỉ. Tên Phó Giám thị và tên cán bộ giáo dục hỏi em có cần gì không, em trả lời chỉ cần đi thăm mộ chồng em. Đúng lúc đó, một người tù đến nói gì đó với hai tên công an. Em thấy hai tên này gục gặc đầu. Người tù này lúc đi ngang qua em có nhìn em. Em thấy đôi mắt anh ấy thật sáng. Và tự nhiên có thiện cảm với anh ấy ngay. Khoảng mười lăm phút sau, anh ấy đem đến cho em một cây mía, một con gà mái, một nắm sôi và một thẻ nhang. Anh ấy nói với em: “Tôi là bạn của anh Kha. Xin chia sẻ với chị mất mát lớn lao này. Tôi nghĩ mình cũng có một phần trách nhiệm trong cái chết của anh ấy.” Quay sang tên Phó Giám thị và tên cán bộ giáo dục, anh ấy nói: “Nhân đây cũng xin cám ơn ông Phó Giám thị và ông cán bộ giáo dục đã đồng ý cung cấp nhang đèn để thân nhân anh Kha làm lễ mở cửa mả cho người chết – mặc dù các ông là người cộng sản.” Anh ấy trao nén nhang tận tay em, nhìn vào mắt em: “Có người sẽ đưa chị ra mộ của anh ấy. Đề nghị chị làm lễ mở cửa mả cho anh ấy để anh ấy biết đường mà đi đầu thai.” Nói xong anh ta chào em và quay lưng đi thẳng. Trời ơi! Em biết phải diễn tả lúc đó thế nào. Em thấy đôi mắt anh ấy sáng quắc lúc nói: “Để anh ấy biết đường mà đi đầu thai.” Nhìn đôi mắt của anh ấy tự nhiên em nhớ đôi mắt của chồng em trong đêm lễ gắn Alpha ở trường Võ Bị Thủ Đức trên đồi Tăng Nhơn Phú. Trong ánh đuốc bập bùng, đôi mắt chồng em cũng đã sáng lên như thế. Em đặt tên ánh mắt đó là “ánh lửa cư an, tư nguy.” Em nghĩ có rất nhiều ánh lửa cư an, tư nguy của Thủ Đức, Đà Lạt, Nha Trang, Đồng Đế, Quang Trung, Long Thành đang âm thầm cháy trong các trại cải tạo tại Việt Nam. Và một ngày kia…” “Cái gì?” Chàng chồm người lên. Nàng đang nói cái gì? Cái gì là ánh lửa cư an, tư nguy của Thủ Đức, Đà Lạt, Nha Trang, Đồng Đế, Quang Trung, Long Thành?
Đó có phải là bàn tay người tù đưa lên: “Đề nghị cán bộ dừng lại kẽo tôi phạm nội quy,” khi tên công an xốc tới định đánh anh ấy? Đó có phải là câu trả lời của người tù khác: “Tôi nghĩ là tôi không sai khi tổ chức lễ kỷ niệm ngày Quân Lực 19 tháng 6 vì quân đội đó đã cưu mang tôi.” Đó có phải là lời nguyền rủa chế độ Cộng sản phi nhân, tàn ác, xảo quyệt của một người tù trước mặt bọn công an trước khi anh nhảy vào chảo nước sôi để tự sát? Đó có phải là lời báo trước: “Người ta bắt tôi đi vì muốn bịt miệng tôi để cảnh cáo người khác,” khi người tù bị bắt dẫn đi trong đêm tối.
Và còn biết bao những ngọn lửa cư an, tư nguy của những phượng hoàng gãy cánh nào mà tôi chưa được biết hoặc đã quên.
Hỡi những người Việt Nam lưu vong trên khắp thế giới! Hãy cùng chúng tôi đốt lên ngọn lửa phục quốc. Hãy ngồi lại bên nhau với một mục đích duy nhất: lấy lại quê hương đã mất!
Nàng nhìn chàng, ngạc nhiên, hỏi anh đang nghĩ gì vậy. Nàng không nghe chàng trả lời.
6.
Chàng có biết một chỗ khá kín đáo. Trước đó người thanh niên ở chung nhà đã dẫn cha con chàng đến đấy. Họ đã vui đùa, ăn uống, tắm biển và ngủ cho tới tối mịt mới về. Đó là hai khối xi-măng đúc nằm cạnh nhau như hai vai cầu, không biết trước kia sử dụng vào việc gì. Chàng đoán có lẽ để đặt máy bơm nước. Bên dưới là hai vòm rộng. Đã có nhiều người đến đây nên còn những dấu vết như bao cát, các bọc mì gói.
Chàng, nàng và đứa con khệ nệ mang các thứ đồ đạc leo lên đó. Họ đã nhóm lửa nấu nước ăn mì gói rất là ngon. Kế đó cà phê sữa cho hai người. Sữa cho đứa con. Trong khi nàng và đứa con đùa giỡn, chàng xuống dưới để chuẩn bị chỗ ngủ. Chàng dọn dẹp rác rến, trải các bao cát và trải lên đó hai chiếc chiếu mượn của người thanh niên ở chung nhà. Chỗ nằm của nàng chàng trải thêm chiếc mền. Chàng chưa kịp gọi “hai cô cháu xuống ngủ” thì nàng và thằng bé đã lù lù đi xuống. Thằng bé kéo kéo tay chàng: “Ba có sợ má Trầm không ba?” “Sợ chứ con, cái gì Trầm Trầm là ba sợ.!”
Nàng dứ dứ nắm tay dọa chàng. Thằng con hỏi: “Con ngủ ở đâu, ba?” Chàng chỉ chỗ cho nó. Chàng vò vò đầu nó và thằng bé ngủ một cách ngon lành. Nàng cười: “Có bầu như em mà cũng ngủ nhanh như vậy được.” Chàng cười, dụi tắt điếu thuốc đang hút dở, bỏ qua nằm xuống bên cạnh nàng. Nàng hỏi: “Sao anh dụi tắt điếu thuốc?” Chàng cười: “Có bầu không nên nghe mùi thuốc lá có hại cho sức khoẻ.” Nàng thầm cám ơn chàng vì sự chăm sóc. Chàng lấy một tấm bìa giấy cứng mang theo từ nhà, quạt cho nàng và ngâm khe khẽ: “Em ơi! Hãy ngủ anh hầu quạt đây…” Nàng nắm bàn tay như con gái của chàng: “Cho em uống cà phê rồi bảo em ngủ. Thôi anh quạt cho em rồi em kể tiếp câu chuyện cho anh nghe… Rồi em về Nam. Em thản nhiên kể cho ba má em nghe mọi chuyện. Thấy em không khóc ông bà càng lo sợ. Em biết ba má em sợ em tự tử. Anh biết em đâu có dại. Em phải sống để trả thù chứ. Như em đã kể. Ba em đang móc nối để tổ chức vượt biên. Không ngờ có người trong nhóm phản bội: đang chờ để “tắc-xi” đưa ra “cá lớn” thì “bị bể.” Cả bọn đều bị vào tù. Trời ơi! Mới bị nhốt ở nhà gaim của huyện mới có một tuần lễ mà em thấy thương ba em, chồng em và những người đã phải ở hàng chục năm trời trong các trại giam của Việt Cộng quá đỗi. Trời ơi! Một vũng nước tù mà hàng trăm con người ăn uống, tắm giặt ở đó. Một, hai, ba: mở cửa tù chạy ra múc nước uống. Xong, dầm mình xuống nước. Một, hai, ba: vào phòng. Cái phòng thay quần áo nhỏ xíu, giành nhau mà vào. Em chờ tới sau cùng mới vào. Mới cởi áo, nhìn qua bên kia thấy cặp mắt hau háu thèm khát đang trân trối nhìn. Sợ quá, ôm quần áo chạy ra. Cả phòng la ó: “Sao không chịu thay quần, ướt hết cả phòng làm sao ngủ?” Phải xin lỗi, lấy chiếc khăn che tạm, thay quần xong, đem vào phòng thay quần áo vắt cho khô, lấy nùi giẻ lau khô chỗ ướt. Bây giờ nghĩ lại còn khiếp. Trời ơi! Có người đang có kinh, máu loang đỏ cả mặt nước. Các phòng sau lại ra và lấy nước uống. Có người bỏ trốn, bắt được nó đem “huyện” một chân vào thanh sắt dài, còng dính hai tay vào chân ấy chẳng ăn uống ngủ nghê đái ỉa gì được. Khóc nó đem khăn “sảm” vào miệng.”
Nàng nhắm mắt, mặt đầy vẻ kinh hoàng như chuyện vừa mới xảy ra.” Đúng một tuần lễ sau, thằng Trưởng đồn công an biên phòng kêu em lên. Nó là bạn học của em trước kia. Em chỉ biết khi nghe nó nói thôi. Nó trơ tráo đề nghị: “Nếu Trầm chịu lấy tôi, tôi sẽ thả bác ra.” Em lắc đầu, đứng dậy. Nó hạ giá đề nghị được ngủ với em. Em gật đầu. Em thì sao cũng được nhưng em không muốn ba em phải bỏ thây trong trại tù – như chồng em. Em nghĩ mình phải là một thân xác vô tri như gỗ đá khi thằng công an nằm trên mình em. Nhưng hỡi ơi, lý trí thì sáng suốt mà thể xác thì lại mù lòa. Cũng có lúc em thấy mình đê mê, hưởng ứng khi thằng công an hì hục trên mình em. Em bấu chặt vào đùi đến bật máu, em thầm nhủ: “Mày tồi tệ đến vậy, sao Trầm?” và em trở lại bình thuờng, vô cảm.
Xong việc, thằng công an hỏi: “Trầm có cần gì không?” Em đáp: “Cần anh giữ lời hứa và một cục xà phòng.” Trong phòng-tắm-của-thằng-công-an em đã kỳ cọ chỗ ô nhục, dội vào đó không biết bao nhiêu là nước mà em vẫn cảm thấy nhớp nhúa. Đêm em muốn cắn lưỡi chết khi nghĩ: Lỡ thằng công an không giữ lời hứa thì sao? Nhưng em nghĩ chết như vậy vô lý quá. Đã tham dự cuộc chơi thì phải chơi cho hết.
Thằng công an giữ lời hứa. Hai ngày sau em và ba em được thả ra. Em giấu không cho ba em biết sự thật. Em chỉ nói thằng công an là bạn học cũ. Hình như ba em có vẻ không tin. Điều đó cần gì. Tất cả đều là những chuyện đã rồi. Em lại tìm cách ra đi. Và thoát được như anh đã biết.”
Đang kể chợt nàng nghe mùi thuốc lá White Horse. Nàng nhổm người dậy, thấy chàng đang kẹp trên tay điếu thuốc. Chàng xin lỗi, dụi điếu thuốc, nói: “Hễ có chuyện suy nghĩ là anh phải đốt thuốc. Chuyện em làm anh đau đầu quá.” Nàng nói, “Chưa hết đâu.” Nàng ngồi dậy, nói: “Anh quay về bên kia một lúc.” Lúc chàng quay lại, nàng đã nằm xuống: chiếc áo tắm đã kéo xuống tới bụng. Chàng trân trối nhìn ngực nàng: hai núm vú hồng hồng chỉa về hai phía. Chàng chồm dậy, cúi xuống hôn lên hai bầu sữa tuyệt vời. Chàng hôn trũng ngực nàng. Nàng cười cúc cúc: “Nhột em quá, anh. Râu anh làm em nhột quá.” Nàng kéo đầu chàng lên, hôn lên khắp mắt mũi chàng, hôn nhẹ trán chàng, đặt đầu chàng xuống: “Để em kể tiếp. Kể một lần cho xong chuyện. Đừng có phá em nữa, nghe.” Tự dưng chàng ngoan ngoãn nghe theo lời nàng. Nàng thở dài, kể tiếp: “Người ta nói họa vô đơn chí, em thì nạn tới ba lần. Tàu chưa ra khỏi hải phận quốc tế thì gặp bão liên miên. Tới chừng ra khỏi thì gặp cướp.” Nàng bụm mắt: “Trời ơi! Em không làm sao quên được những hình ảnh khủng khiếp. Anh có thể tưởng tượng cướp nó giết sạch một lúc bốn chục người đàn ông trên tàu. Chỉ có một người duy nhất bị nó chém và đạp xuống biển, nhờ lội giỏi đã bám trốn vào lườn tàu. Anh có thể tưởng tượng nó tàn ác đến độ đàn ông nó bắt ra thành tàu nằm xuống chặt đầu, đạp xuống biển. Bốn chục người tất cả, chính mắt em trông thấy. Còn đàn bà thì nó bắt cởi truồng hiếp ngày, hiếp đêm. Hiếp rồi lại ăn uống, cười nói. Rồi lại hiếp, rồi lại ăn uống. Có người bị đến hai chục lần ngất xỉu. Có những em bé mười một, mười hai tuổi bị hiếp rách cửa mình, máu ra như suối. Bọn cướp nhìn cười hô hố rồi lại ôm hiếp tiếp. Em may mắn gặp một thằng có vẻ là chúa đảng, nó giữ riết em trong cabin tàu. Tướng tá nó có vẻ bậm trợn mà vụ kia thì yếu sìu. Nó có vẻ chiều chuộng, săn sóc em. Nhờ có nó mà đám kia không có thằng nào đụng tới em. Em cũng tỏ vẻ săn sóc nó và nó có vẻ hài lòng. Lúc nó thả cho đi em xin nước uống và thức ăn vì nó cũng biết chút ít tiếng Anh. Em cũng nhờ nó cho dìu mấy chị em bị ngất xỉu qua tàu. Nó dong tàu tụi em một đỗi thì chặt dây. Trời ơi! Lúc đó em và mấy chị còn tỉnh lo sợ quá mức. Đâu có ai biết lái tàu. Lại toàn đàn bà con đeo, con thẹo. Cả đám khóc như ri. Đúng lúc đó người đàn ông duy nhất sống sót thò đầu lên tàu. Tưởng ma hiện hồn tụi em la oái oái. Anh ta thều thào: “Tôi đây mà. Tôi đây mà.” Em và mấy chị nữa bậm gan lại nắm tay anh ta kéo lên. Em đi lấy nước đổ cho anh ta từng hớp. Người thì lấy dầu xoa bóp khắp mình mẩy anh ta. Anh ta thiếp đi một lúc thì tỉnh lại và kêu đói. Em hâm lại cháo khuấy với sữa đổ từng muỗng cho anh ta. Cuối cùng thì anh ta hồi phục. Chúng em gọi anh ta là “anh ân nhân.” Anh ta cũng không biết lái tàu nhưng nhờ làm nghề biển, lại có sức mạnh, anh ta nối vải, căng buồm kéo tàu đi. Cuối cùng nhờ một chiếc tàu kéo vào đây. Anh biết không: Ngày hôm đó ở đây rúng động. Người ta đem băng-ca xuống khiêng những thây ma còn thoi thóp mà háng, đùi còn đầy những máu đen khô cứng. Cái bà tập thể dục hôm anh gặp ở bãi biển, anh biết không, bà ta ôm em khóc vùi. Không ai mà không khóc. Còn “anh ân nhân” thì như người hóa điên. Anh ta cứ lảm nhảm khóc cười.”
Chàng nhắm mắt và nhớ lại. Tàu chàng đi cũng gặp cướp nhưng không đến nỗi khủng khiếp như vậy. Đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại màu nước biển sẫm như hắc ín là chàng nghe lạnh ở sóng lưng. Chàng nhớ rất rõ trong khi viên thuyền trưởng tốt bụng người Nhật chụp hình chiếc tàu của bọn chàng thì mũi tàu cũng vừa bị sóng đánh rã. Đi thêm năm, mười phút nữa, tất cả đã làm mồi trong bụng cá. Chàng vừa định đốt thuốc hút chợt nhớ tới nàng. Chàng đặt tay lên bụng nàng. Nàng nắm lấy tay chàng. Họ cùng lắng nghe một mầm sống đang lớn dần trong đó. Nàng: “Cho tới giờ em cũng không biết đứa con trong bụng em là của ai. Của chồng em? Của thằng trưởng đồn công an biên phòng? Hay là của thằng hải tặc trên biển Đông? Dù là của ai thì nó cũng là con em. Em sẽ dạy cho nó khi lớn lên nó biết nó phải làm gì.”
Chợt nàng chồm lên hôn nàng. Lưỡi họ quyện vào nhau. Răng họ chạm nhau lạch cạch. Họ nghe rõ cả tiếng nuốt nước bọt của nhau. Nàng đang đè lên người chàng. Chàng se se hai đầu vú hồng hồng đang đè lên bộ ngực lép hẹp của chàng. Nàng đưa tay phủi phủi: “Nhột em anh, nhột em anh.” Chàng lật người nàng qua. Chàng kéo chiếc áo tắm xuống. Chàng tuột luôn quần lót nàng ra. Chàng sững sờ nhìn cái bụng trắng muốt hơi nhô lên của nàng. Chàng hôn lên đó, mơn man. Nàng ưỡn người lên, nàng bấu ngón tay nhọn vào tóc chàng, kêu lên: “Anh, anh!” Đúng lúc chàng định đáp ứng tiếng kêu của nàng thì thằng con của chàng ngồi chông ngóc từ lúc nào, giọng ngái ngủ: “Ba ơi, con mắc đái.” Chàng cười: “Nó thức thật đúng lúc. Đúng là nó thay mẹ nó để giữ anh.” Chàng ẳm thằng bé cho nó leo lên đi đái, dặn thằng bé: “Con ở luôn trên đó, ba với cô lên sau.” Chàng đi xuống. Nàng vẫn còn nằm trong chiếc áo khoác. Chàng lật chiếc áo khoác ra. Nàng nhắm mắt, nằm im, chờ đợi. Chàng hôn lên bụng, lên ngực nàng, đỡ nàng dậy, mặc lại quần áo cho nàng, hôn lên trán nàng: “Phải kiêng cữ, anh quên. Thời gian này là… tối kỵ cái vụ này. Lỡ có bề gì chúng ta lại ân hận. Vả lại chúng ta cũng nên giữ lại cho nhau… một cái gì đó.” Lúc đầu nàng ngạc nhiên. Chợt hiểu ra, nàng khóc. Nàng ôm hôn chàng: “Cám ơn anh đã nghĩ tới sinh mạng của con em.”
7.
Ít lâu sau cha con chàng được phái đoàn Mỹ phát đơn, mở hồ sơ. Và có tên trong danh sách chuyển trại về đất liền. Hôm cha con chàng rời trại, nàng chỉ hôn nhẹ lên má chàng rồi ôm thằng con: “Đi nhớ cô, nghe con.” Lúc cha con chàng bước lên cầu Jetty, nàng vẫy vẫy tay, nói: “Send me a line.” Chàng và đứa con vẫy tay đáp lại. Nàng cứng rắn như thế nhưng chàng biết khi trở về nàng sẽ khóc.
Qua tới đất liền, chàng liền viết ngay thư cho nàng. Và nàng cũng thế. Bởi vì khi chàng nhận được thư nàng, thư cũng đề cùng ngày chàng viết thư cho nàng. Trong thư nàng viết:
“Anh và cháu đi rồi, khi trở về em khóc vùi. Em nhớ anh đến lạ lùng. Cám ơn anh, người đàn ông đã cho em biết thế nào là giá trị của tình yêu và xác thịt. Cám ơn anh, người đàn ông đã cho em sự-sung-sướng-thánh-thiện (không biết em dùng chữ như vậy có đúng không?). Cám ơn anh – người đã dạy cho em bài học: người ta hơn nhau ở chỗ biết dừng lại đúng lúc khi mình sắp ngã. Và khi ngã biết đứng lên. Em đang đứng lên đây anh!”
Ít lâu sau cha con chàng được Bộ Di trú Hoa Kỳ nhận cho định cư, có tên trong danh sách chuyển trại sang Phi Luật Tân. Chàng vẫn thường xuyên viết thư cho nàng. Song không hiểu tại sao chàng chỉ nhận được của nàng thêm ba bức thư rồi bặt tin luôn. Chàng sốt ruột hết sức. Ở Bataan, thằng con cứ nhắc: “Sao lâu quá cô gì đó chưa qua với mình, ba.” Chàng buồn buồn: “Ba cũng không hiểu tại sao.”
Cho tới khi mãn khóa học, có tên trong danh sách chuyến bay vào Mỹ định cư chàng vẫn không nhận được thư từ, tin tức gì của nàng. Chàng nhẩm tính nếu đúng thì nàng đã sinh nở. Lúc ở trại chuyển tiếp để chờ sáng hôm sau ra phi trường Manila, chàng có gặp một số người từ Mã Lai qua chờ vào Bataan để học Anh ngữ. Chàng hỏi về nàng nhưng không ai biết. Chàng thức suốt đêm không sao ngủ được. Phần vì âu lo về chuyến đi sắp tới, phần khác buồn vì mất liên lạc với nàng.
Buổi sáng thức sớm, sửa soạn hành lý xong xuôi, chàng và đứa con ngồi ở băng đá chờ đợi. Thằng con cứ hỏi: “Mình sắp đi Mỹ mà cô gì đó cũng chưa qua là làm sao, ba?” Chàng lại đáp: “Ba cũng không hiểu tại sao.” Hai cha con đang ngồi nói chuyện thì có một người con gái đi ngang qua và đứng lại nhìn thằng con, rồi nhìn chàng, rồi bỏ đi. Một lúc sau cô ta trở lại, nhìn hai cha con chàng, hỏi: “Có phải anh tên Kha?” “Phải, tôi là Kha” chàng đáp vội vã. Cô gái rút ra một lá thư đưa cho chàng: “Chị Trầm gửi anh.” Chàng không kịp nói cảm ơn. Xé thư đọc ngấu nghiến:
“Anh Kha, em đã sanh con trai. Em đặt tên cho con là Việt. Chả hiểu tại sao em lại thấy nó giống thằng con anh. Đừng giận vì em đã không viết thư cho anh. Em cũng sắp qua bên đó. Không biết thư này đến anh còn kịp không: bởi theo em tính thì có thể anh đã đi định cư. Nếu kịp đến tay anh thì âu cũng là định mệnh muốn chúng ta gặp lại nhau. Mẹ con em mạnh khỏe. Rất mong nhận được thư anh và sớm gặp lại anh và cháu.
Yêu anh. Trầm.”
Chàng quay lại cám ơn cô gái lia lịa.Chàng viết tên và địa chỉ của người bảo trợ của chàng ở Mỹ đưa cho cô gái: “Nhờ cô giữ giùm và trao lại Trầm. Tôi sẽ viết thư cho cô ấy ngay sau khi nhận được thư cô ấy. Cám ơn cô nhiều lắm.”
Qua loa phóng thanh, người phụ trách đang gọi mọi người lên phòng để làm thủ tục ra phi trường. Chàng hỏi cô gái: “Xin lỗi cô tên gì?” Cô gái cười thật tươi: “Trầm.” Cô ta lấy từ xách tay một lá thư khác, mở túi xách của chàng, để vào đó và nói: “Tới Mỹ rồi hãy mở.”
Lúc phi cơ đáp xuống phi trường Minneapolis cách nơi cha con chàng vừa rời khỏi nửa vòng địa cầu, chàng vẫn còn thắc mắc: có phải cô gái đưa thư cũng tên Trầm?
Chàng lấy bức thư trong túi xách ra đọc và ngạc nhiên quá đỗi. Thư của Trầm:
“Anh Kha,
Âu cũng là định mệnh. Không ngờ em vừa đến anh lại vừa đi. Phải năn nỉ mãi nhỏ bạn mới chịu giúp đưa thư cho anh. Nó còn nói em bày đặt. Em muốn đến gặp anh và cháu Nam lắm. Nhưng em lại sợ ngã vào anh mất. Mà em thì đang làm theo lời khuyên của anh: Dừng lại đúng lúc mình sắp ngã! Tình yêu thì không nên có sự khinh bỉ xen vào. Hình như có lần anh đã nói với em như thế. Và em yêu anh. Nếu muốn, trước sau gì chúng ta cũng sẽ gặp lại. Hôn anh và con thật nhiều cái hôn.
Trầm.”
Chàng gấp bức thư lại, nói: “Hay!”
Một cô gái Mỹ tóc vàng xinh đẹp bước vào, ngồi xuống cạnh cha con chàng, quay qua nhoẻn miệng cười, nói: “Hi!” vì tưởng là chàng chào cô ta.
*
THƯ THAY ĐOẠN KẾT
Cậu Việt,
Khoảng hai mươi năm nữa hoặc hơn, nếu có tình cờ nào cậu đọc được câu chuyện này. Dĩ nhiên là phải bằng Anh ngữ. Tôi hy vọng ngay từ bây giờ, khi cái truyện này được đăng tải trên tạp chí Việt ngữ, sẽ có người chuyển sang Anh ngữ. Để ít nhất, người Mỹ hiểu được phần nào cái giá đau thương mà dân tộc Việt Nam phải gánh chịu sau ngày Mỹ bỏ rơi Việt Nam. Để nước Mỹ và người dân Mỹ – nơi đã cưu mang hàng triệu người tỵ nạn Đông Dương hiểu được rằng có một đất nước tên gọi là Việt Nam, ở đó nhân quyền bị xâm phạm thô bạo. Ở đó, người ta ném truyền đơn, vũ khí vào nhà thờ để phao vu linh mục. Ở đó, người ta đưa những tên công an giả dạng thầy tu, mặc áo nâu sòng thông dâm phụ nữ, hãm hiếp gái tơ vào chùa gõ mõ, tụng kinh để phá hoại niềm tin Phật tử.
Ở đó, người ta bị bắt buộc phải thay trâu kéo cày để cấy lúa, thay trâu dẫm nát đất để đúc gạch xây thêm nhà tù.
Ở đó, người ta bị bắt buộc phải lấy tay quậy phân người lúc nhúc những giòi để trồng rau và ăn những rau đó.
Ở đó, người ta phải tìm ăn tất cả những con vật động đậy từ cào cào, châu chấu đến cóc nhái, ễnh ương, rắn rít, chuột chết, gà toi, heo dịch… để mà sống qua ngày.
Ở đó, hàng trăm ngàn người đang bị giết lần mòn trong những trại giam trá hình được gọi là trại cải tạo.
Lúc đó, dĩ nhiên cậu đã là một công dân Mỹ. Cũng như các trẻ em khác, có lẽ lúc đó cậu đã học hành đỗ đạt. Có thể lúc đó cậu đã là kỹ sư, bác sĩ, là dân biểu, nghị sĩ, thống đốc. Tôi không dám cầu chúc cậu trở thành Tổng Thống vì tôi chưa thấy có một Tổng Thống Hoa Kỳ nào gốc Á Châu dù sanh đẻ tại Mỹ. Cũng có thể, cậu chỉ là anh trại chủ tầm thường nào đó ở Texas, California, một anh thợ mộc quèn ở cái tiểu bang Iowa lạnh ngắt này. Cũng có thể, cậu là một tay cờ bạc nổi tiếng ở Las Vegas, một tài tử điện ảnh nổi tiếng ở Hollywood. Không biết chừng cậu lại là một tay trùm của một băng Mafia nào đó. Biết đâu, phải không? Có cái gì mà không thể xảy ra ở một đất nước Tự Do như Hoa Kỳ: một quốc gia được mệnh danh là “Vùng Đất Hứa” cho tất cả mọi người đến từ khắp nới trên thế giới.
Dù cậu là gì đi nữa, xin cậu hãy nhớ một điều: Mẹ cậu – người đàn bà mang thai trên biển Đông.
Ở một nơi được gọi là Trại Cải Tạo ở Việt Nam, người ta đã bức tử cha cậu bằng lao động khổ sai;
Ở một nơi đưọc gọi là Trung Tâm Tạm Giam ở Việt Nam, một tên công an Việt Cộng đã cưỡng dâm mẹ cậu;
Và Việt Cộng đã đẩy mẹ cậu ra biển Đông để bọn hải tặc man rợ hãm hiếp.
Người đàn bà đó đã cưu mang mầm sống. Người đàn bà đó đã trôi dạt từ Mã Lai tới Phi Luật Tân. Nàng đã mang nặng, đẻ đau. Và bằng mọi cách đã đưa cậu đến bến bờ Tự Do.
Khi tôi viết những dòng chữ này, thành phố Des Moines đang có tuyết rơi. Thư của tôi gửi cách đây một tuần chắc đã đến tay mẹ cậu. Trình độ Anh ngữ như mẹ cậu thì chắc phải là phụ giáo. Mỗi ngày cậu lại được nghe tiếng ru của cô nhũ mẫu người Phi Luật Tân. Cậu và mẹ cậu sẽ làm quen với “những nắng cùng mưa buồn thúi ruột” của thành phố Bataan trong sáu tháng. Và rồi sẽ vào Mỹ.
Tôi không hiểu mẹ cậu có đồng ý đề nghị của tôi là nàng sẽ đưa cậu đến đây với cha con tôi. Và chúng tôi sẽ cùng nhau hướng dẫn cậu và con tôi theo một hướng đi mà chúng tôi nghĩ là đúng ở đất nước tự do này, bởi lẽ, giữa hai thế hệ chúng ta có quá nhiều cách biệt. Tôi nghĩ người đàn bà duyên dáng, hiếu đời, xinh đẹp như nàng sẽ có suy nghĩ và hướng giải quyết đúng cho cuộc đời của mình.
Chúng tôi sẽ cố gắng là bạn với nhau. Vì tôi nghĩ rằng nàng cũng muốn xứng đáng với cậu. Và tôi – nàng cũng biết tôi còn có bổn phận với người vợ thủy chung của tôi còn kẹt lại nơi quê hương Việt Nam nghèo đói, hận thù.
Và hơn ai hết, tôi biết nàng hiểu rằng “người đàn bà mang thai trên biển Đông” chỉ là một ẩn dụ.
Và cả em, em cũng biết điều đó, phải không, hỡi Trầm – Niềm Yêu Thương, Hy Vọng và Lẽ Sống của đời anh?
NGUYỄN THIẾU NHẪN
Des Moines tháng 4 năm 1987